14 tháng trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 can thiệp mọi ngóc ngách của đời sống hiện đại, thủ đô Washington D.C của Mỹ đang tiến các bước đi đầu tiên quay lại cuộc sống thường nhật trước dịch.
Sau thời gian bị hạn chế hoạt động, buộc nhiều chủ nhà hàng ở địa bàn thủ đô Mỹ phải xoay xở thay đổi mô hình kinh doanh để tồn tại, kể từ cuối tuần qua, các nhà hàng, quán bar đã được phép mở cửa 100% công suất. Theo báo The Washington Post, việc chuyển đổi đột ngột từ 25% sức chứa quay lại mức 100% (tức ngưỡng kinh doanh bình thường) đã đẩy một số nơi vào tình trạng không kịp trở tay, một phần do thiếu nhân viên.
Bước đầu, các nhà hàng, quán bar ở Washington D.C tiếp tục tuân thủ chính sách của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC): nhân viên phục vụ đeo khẩu trang, và không bắt buộc đối với các khách hàng đã tiêm vắc xin. Và việc áp dụng được thực hiện theo cơ chế tự quản lý, có nghĩa là các nhà hàng không yêu cầu khách hàng phải xuất trình giấy xác nhận tiêm phòng. Tờ The Washington Post dẫn lời một cảnh sát cho hay ông chưa từng chứng kiến cảnh tượng nhộn nhịp đến thế trên đường phố thủ đô trong nhiều tháng qua.
Trong khi đó, tiểu bang đông dân nhất của Mỹ là California chuẩn bị dỡ bỏ các giới hạn về tụ tập nơi công cộng và giãn cách phòng dịch Covid-19, ngoại trừ những sự kiện đông đúc người tham gia.
Theo kế hoạch của Thống đốc Gavin Newsom, bang California sẽ mở cửa toàn bộ nền kinh tế từ ngày 15.6 sau thời gian chứng kiến tỷ lệ tiêm vắc xin tăng mạnh. Trên bình diện toàn quốc, Đài NPR ghi nhận chương trình tiêm phòng của Mỹ từ 0 đã tăng lên 50% trong chưa đầy 6 tháng. Tính đến trưa 25.5 (giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Joe Biden cho hay phân nửa dân số trưởng thành của Mỹ (gần 130 triệu người từ 18 tuổi trở lên) đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
“Đây là cột mốc quan trọng cho nỗ lực tiêm phòng của Mỹ”, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết. Thêm 70 triệu liều đang trong quá trình phân phát, và gần 5 triệu trẻ em từ 12 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, theo số liệu của CDC. Bên cạnh đó, 9 tiểu bang đã tiêm ít nhất 1 liều cho 70% dân số trưởng thành. Trong lúc nhiều nơi ở Mỹ đang hoan nghênh cuộc sống bình thường quay lại, cố vấn Slavitt thúc giục các công dân Mỹ vẫn chưa tiêm phòng hãy nhanh chóng đến các trung tâm y tế: “Nếu không tiêm vắc xin, bạn vẫn đối mặt với nguy cơ mắc Covid-19”.
Tốc độ phát triển và phân phối vắc xin đã giúp Mỹ kiểm soát được dịch Covid-19 sau thời dịch bệnh hoành hành. Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy trung bình số ca mới trong ngày ở Mỹ đã giảm xuống dưới 25.000 ca/ngày, lần đầu tiên kể từ ngày 19.6.2020. So với cách đây 1 tuần, tỷ lệ ca dương tính mới trong ngày cũng giảm đến 22%, theo Đài CNBC.
Ngày chết chóc nhất ở Thái Lan
Hôm qua (26.5), Thái Lan ghi nhận 41 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ, cao nhất từ đầu dịch đến nay, theo Reuters. Hiện nước này đã có 873 người thiệt mạng vì dịch bệnh, với khoảng 90% số trường hợp tử vong xảy ra kể từ khi đợt bùng dịch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến hiện tại. Cùng ngày, tổng số ca dương tính với bệnh Covid-19 ở Ấn Độ đã vượt ngưỡng 27 triệu, trong khi số người chết vì dịch bệnh tăng thêm 4.157 trường hợp trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, số ca Covid-19 trong ngày ở Malaysia cũng tăng nhanh chóng và hiện đã vượt qua Ấn Độ về số trường hợp mắc bệnh trên mỗi 1 triệu người. Thống kê của website Our World in Data cho thấy trong mỗi 1 triệu người dân Malaysia thì có 205,1 người xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 25.5. Tỷ lệ ở Ấn Độ là 150,4 trường hợp trên một triệu.
Số ca Covid-19 tại Campuchia vẫn tiếp tục tăng. Chỉ tính riêng tại tỉnh Kandal, giới chức y tế đến nay đã ghi nhận ít nhất 250 ca, trong đó 103 tù nhân và 3 cán bộ quản giáo ở nhà tù của tỉnh mắc Covid-19. Hôm 25.5 cũng xảy ra trường hợp một bệnh nhân dương tính trong lúc chạy trốn khỏi bệnh viện ở huyện Ponhea Krek đã dùng gậy và cuốc đánh chết một binh sĩ đang canh gác bên ngoài, theo báo Khmer Times.
|
Bình luận (0)