Mỹ, Đức khẩn cấp giúp Ấn Độ đối phó bi kịch Covid-19

26/04/2021 09:32 GMT+7

Mỹ, Đức cam kết gửi nguyên liệu bào chế vắc xin, trang thiết bị y tế, ô xy đến giúp Ấn Độ đối phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 kinh khủng ở nước này.

Reuters ngày 26.4 dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay Washington sẽ lập tức gửi nguyên liệu thô để bào chế vắc xin, cùng trang thiết bị y tế đến giúp Ấn Độ đối phó đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nước này.
“Cũng như khi Ấn Độ gửi viện trợ đến Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi căng sức trước đó trong đại dịch, chúng tôi quyết tâm giúp Ấn Độ khi nước này đến lúc cần”, ông Biden viết trên Twitter sau khi Nhà Trắng thông báo hàng loạt biện pháp.

Tổng thống Mỹ gửi trang thiết bị y tế, quyết tâm giúp Ấn Độ vượt qua dịch Covid-19

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Emily Horne cho hay giới chức Mỹ đang “làm việc suốt ngày đêm” để chuyển nguyên liệu đến giúp Ấn Độ sản xuất vắc xin Covid-19 và chữa trị hàng triệu bệnh nhân ở nước này.
Mỹ cũng sẽ gửi các bộ xét nghiệm nhanh, máy thở và liệu pháp đến giúp Ấn Độ. Trước đó, Anh, Pháp và Đức kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Ấn Độ chống Covid-19, sau khi nước này liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục.
Bà Horne cho hay Mỹ cũng có thể hỗ trợ Ấn Độ trong vấn đề thiếu ô xy cho bệnh nhân. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Ro Khanna hoan nghênh quyết định trên, nhưng kêu gọi Tổng thống Biden gửi cho Ấn Độ số vắc xin AstraZeneca chưa sử dụng. Mỹ hiện chưa chứng nhận vắc xin này, trong khi đang lưu trữ hàng triệu liều.
Về phía Đức, Ngoại trưởng Heiko Mass ngày 26.4 cho hay Đức sẽ gửi ô xy và viện trợ y tế đến Ấn Độ trong vài ngày tới.
“Làn sóng thứ 2 ở Ấn Độ đang lây lan chưa từng thấy. Chúng ta cần hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn biến thể mới lây lan vào Đức”, Ngoại trưởng Maas phát biểu.

Ấn Độ: rồng rắn xếp hàng trước nhà máy oxy trong nỗ lực chống chọi "sóng thần" Covid-19

Ấn Độ hiện ghi nhận 16.960.172 ca mắc Covid-19 với 192.311 ca tử vong và 14.085.110 ca hồi phục. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 khiến nước này ghi nhận trên 300.000 ca mắc trong những ngày qua, khiến nhiều bệnh viện quá tải giường bệnh, thiếu ô xy và trang thiết bị y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.