Mỹ giảm kho tên lửa hạt nhân xuống mức thấp nhất

20/03/2017 18:31 GMT+7

Không quân Mỹ đang âm thầm thu nhỏ lực lượng tên lửa hạt nhân trên bộ, bất chấp các tuyên bố liên tục và gần đây của Tổng thống Donald Trump về viễn cảnh mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Dù hứng chịu chỉ trích từ đương kim chủ nhân Nhà Trắng, việc cắt giảm đang gần hoàn tất theo tiến độ đã quy định trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược NEW START, do Mỹ - Nga ký kết dưới thời tổng thống Barack Obama, theo tờ Deccan Chronicle ngày 19.3.
Mức thấp nhất từ năm 1962
Tính đến ngày 14.3, Không quân Mỹ chỉ còn 406 tên lửa Minuteman sẵn sàng trong các bệ phóng từ hầm ngầm (silo), theo phát ngôn viên lực lượng không quân, thiếu tá Daniel Dubois.
Vào tháng 9.2016, con số này là 417 tên lửa, nhưng sẽ giảm xuống còn 400 tên lửa vào tháng 4 tới.
Cũng theo quy trình trên, Không quân Mỹ từ tháng 1 đã hoàn tất việc chuyển đổi công năng của 41 chiếc máy bay ném bom B-52H dùng ném bom hạt nhân thành oanh tạc cơ mang theo vũ khí thông thường.
Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ chứng kiến kho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) giảm từ 450 xuống còn 400 tên lửa trong vòng một thập niên qua.
Lực lượng không quân Mỹ cho hay các công tác liên quan đến tên lửa Minuteman 3 sẽ được hoàn tất vào tháng 4, đẩy kho ICBM của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 1960.

tin liên quan

Hồ sơ vũ khí sinh hóa của Mỹ
Trong nhiều thập niên, Mỹ từng theo đuổi những chương trình vũ khí sinh học, hóa học có khả năng khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Sự phản đối của ông Trump
Vào năm 2014, chính quyền Obama tuyên bố sẽ thu nhỏ quy mô ICBM trong số bộ ba hạt nhân, gồm cả oanh tạc cơ mang bom hạt nhân và tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, theo thỏa thuận với Nga vào năm 2010. Cụ thể, theo hiệp ước NEW START, cả hai nước buộc phải hoàn tất các mục tiêu đã định vào tháng 2.2018.
Tuy nhiên, tổng thống hiện tại của Mỹ là ông Donald Trump lại bày tỏ quan điểm rằng NEW START đang đẩy Mỹ vào tình thế thua kém Nga về khoản năng lực hạt nhân.
Vào tháng 12.2016, sau khi đã thắng cử, ông Trump lên Twitter bày tỏ ý kiến rằng Mỹ “buộc phải củng cố mạnh mẽ và mở rộng năng lực hạt nhân”, đồng thời cho rằng NEW START là một ý kiến dở chưa từng thấy.
Vẫn chưa rõ đương kim tổng thống Mỹ sẽ làm cách nào để theo đuổi mục tiêu trên. Một kế hoạch dài hạn nhằm thay thế và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đang được triển khai, và có thể ngốn đến hàng trăm tỉ USD khi hoàn tất.
Một tên lửa ICBM trong hầm phóng Bộ Quốc phòng Mỹ

Nhà phân tích chính sách quốc phòng Michaele Dodge của Quỹ Di sản cho rằng Mỹ nên rút khỏi hiệp ước NEW START.

"Cần phải có cách đảo ngược sự suy giảm này. Cho đến khi Nga tiếp tục tăng số đầu đạn hạt nhân theo NEW START, chúng ta không nên tự gạt bỏ vũ khí", bà Dodge nói, đề cập đến 50 tên lửa Minuteman III bị rút khỏi hầm chứa.
Hiện số đầu đạn hạt nhân của Nga vượt khỏi giới hạn của hiệp ước là 1.550 và Mỹ đang ở dưới mức này.
Chưa rõ viễn cảnh NEW START
Hạn chót của NEW START là tháng 2.2021, trừ phi cả hai tiếp tục ký lại hiệp ước mới liên quan đến kho vũ khí hạt nhân song phương.
Bên cạnh việc giới hạn tổng số đầu đạn, hiệp ước cho phép mỗi bên triển khai tối đa 700 bệ phóng, bao gồm hầm phóng tên lửa trên bộ. Nga và Mỹ có thể tự quyết tỷ lệ phân bổ các bệ phóng dựa trên 3 nền tảng vũ khí hạt nhân chiến lược: ICBM, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân.
Cần lưu ý 50 hầm chứa tên lửa Minuteman III bị loại bỏ vẫn sẽ được giữ “ấm” và sẵn sàng được đưa vào sử dụng trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.