Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18.4 đã có bình luận liên quan đến thông tin nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 của Trung Quốc đang hiện diện tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia tại Biển Đông.
Hôm 17.4, Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết một tàu khảo sát của Trung Quốc đang theo dõi sát sao tàu thăm dò của công ty dầu khí Petronas của Malaysia tại khu vực nói trên.
Trong thông báo phản hồi Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Mỹ lo ngại về những bài báo cho thấy Trung Quốc lặp lại hành động khiêu khích nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước tranh chấp khác. Trong trường hợp này, Trung Quốc nên ngừng hành vi bắt nạt và tránh thực hiện hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho rằng những hành động của Trung Quốc gây đe dọa cho an ninh năng lượng trong khu vực và làm tổn hại thị trường năng lượng tự do và rộng mở tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
|
Trước đó, chiều 14.4, Reuters đưa tin tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống đã trở lại Biển Đông giữa đại dịch Covid-19. Đây cũng là tàu khảo sát đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong suốt gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 tới 25.10.2019).
Nhóm tàu này trở lại sau khi phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng thế giới bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19 để có các hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông, khi 3 tàu hải cảnh nước này đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam ở gần đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa vào ngày 2.4.
Reuters ngày 14.4 trích dữ liệu từ trang web theo dõi hàng hải Marine Traffic cho biết tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 đã xuất hiện trở lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158 km, được hộ tống bởi ít nhất một tàu hải cảnh.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi phóng viên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”.
Bình luận (0)