Mỹ phát triển UAV tiếp liệu trên không

29/09/2018 09:29 GMT+7

Hải quân Mỹ sẽ chi 13 tỉ USD mua máy bay không người lái tiếp dầu cho chiến đấu cơ, giúp các tàu sân bay có thể tránh xa tầm bắn của tên lửa đối phương.

Theo chuyên san The National Interest, hải quân Mỹ giao cho Tập đoàn Boeing hợp đồng phát triển 4 máy bay không người lái (UAV) tiếp nhiên liệu MQ-25A Stingray với giá 805 triệu USD. MQ-25A sẽ được thử nghiệm vào năm 2021 và có thể đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây sẽ là UAV đầu tiên hoạt động từ tàu sân bay Mỹ. “Khi hoạt động, MQ-25A sẽ cải thiện khả năng tác chiến, tính hiệu quả và an toàn của phi đội trên tàu sân bay cũng như cung cấp khả năng tiếp liệu ở tầm xa hơn và lâu hơn”, hải quân Mỹ nhấn mạnh trong thông cáo. Lực lượng này định phát triển phi đội MQ-25A lên 72 chiếc, với tổng trị giá 13 tỉ USD.
Theo yêu cầu của hải quân Mỹ, mỗi chiếc MQ-25A phải mang được hơn 7,5 tấn nhiên liệu tới chiến đấu cơ hoạt động cách tàu sân bay 926 km. Điều này sẽ giúp tăng gấp đôi tầm hoạt động của các máy bay F/A-18E/F Super Hornet và F-35C. Trong đó, F/A-18 có tầm hoạt động hơn 800 km và chiến đấu cơ tàng hình F-35C được cho có tầm hoạt động tới 2.200 km. Hải quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm khả năng hoạt động của F-35C hồi tháng trước và dự kiến triển khai cho tàu sân bay USS Carl Vinson vào năm 2021. Tàu này đã nhiều lần hoạt động ở tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Theo trang Breaking Defense, nhờ có MQ-25A tiếp nhiên liệu trong lúc tiến hành nhiệm vụ, chiến đấu cơ từ tàu sân bay sẽ mở rộng đáng kể tầm hoạt động ở tây Thái Bình Dương. Trong trường hợp nổ ra đụng độ, máy bay Mỹ có thể thâm nhập vào lớp phòng thủ đa tầng do Trung Quốc thiết lập ở khu vực trong khi tàu sân bay vẫn có thể nằm ngoài phạm vi của các loại tên lửa “diệt tàu sân bay” DF-21D và DF-26, có tầm bắn được cho là lên đến 1.660 km.
Nếu không có máy bay tiếp nhiên liệu thì tàu sân bay Mỹ buộc phải hoạt động trong vùng phòng thủ của Trung Quốc để chiến đấu cơ có thể tấn công. Tình trạng này sẽ đe dọa tàu sân bay Mỹ cùng khoảng 5.000 quân nhân trên tàu. Hiện nay, hải quân Mỹ không có máy bay tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ tàu sân bay sau khi đã “cho về hưu” 2 loại máy bay KA-6 và S-3 Viking. Từ đó, giới chuyên gia nhận định MQ-25A là giải pháp cho việc nâng tầm tác chiến của chiến đấu cơ tàu sân bay Mỹ, đồng thời giúp tàu sân bay thoát khỏi tầm bắn của tên lửa diệt hạm như DF-21D và DF-26.
 
Lịch sử phát triển MQ-25A
Hải quân Mỹ bắt đầu nỗ lực phát triển UAV hoạt động từ tàu sân bay vào năm 2006. Hải quân Mỹ lúc đầu muốn đó là loại máy bay tàng hình, có khả năng xâm nhập hệ thống phòng không của đối phương. Tuy nhiên đến năm 2012, những yêu cầu về khả năng tấn công không còn được chú trọng. Thay vào đó, khả năng tình báo, do thám và giám sát được quan tâm nhiều hơn.
Tháng 2.2016, hải quân Mỹ quyết định đó phải là máy bay tiếp nhiên liệu trên không, có kích cỡ bằng chiến đấu cơ F/A-18. Tháng 7.2016, loại UAV tiếp dầu cho máy bay tàu sân bay được mang tên chính thức là MQ-25A Stingray, theo chuyên trang USNI News. Sau đó có 4 tập đoàn tham gia đấu thầu phát triển MQ-25A, gồm Boeing, Lockheed Martin, General Atomics và Northrop Grumman. Tuy nhiên, đến tháng 10.2017, Northrop Grumman tuyên bố rút lui. Trong 3 tập đoàn còn lại chỉ có Boeing phát triển mẫu MQ-25A trước khi được hải quân giao hợp đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.