Ông Mattis đưa ra tuyên bố trên sau khi Trung Quốc nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương, trong đó có việc triển khai vũ khí đến những đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Biển Đông.
Dù vậy, trong chuyến công du 4 ngày đến châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông chủ Lầu Năm Góc sẽ nỗ lực thúc giục Trung Quốc gây áp lực cho CHDCND Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Singapore hôm 12.6.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc “có một mục tiêu chung: phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và được xác thực tại bán đảo Triều Tiên”, ông Mattis nhấn mạnh.
Tại Bắc Kinh từ ngày 26-28.6, Bộ trưởng Mattis sẽ có cuộc hội đàm với các quan chức quốc phòng Trung Quốc. Sau đó, trong ngày 29.6, ông sẽ đến gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.
Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ Tổng thống Trump đang thách thức Trung Quốc về thương mại, tình trạng "trộm" bí mật thương mại và mối đe dọa an ninh mạng.
Trong lĩnh vực quốc phòng, việc Trung Quốc quyết định triển khai vũ khí ở Biển Đông khiến các quốc gia Đông Nam Á phải lo ngại. Trong động thái nhằm bày tỏ sự bất bình trước Trung Quốc, hồi tháng 5, Lầu Năm Góc không mời nước này tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018.
Vài tuần sau đó, tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-la ở Singapore, ông Mattis lên án Trung Quốc đe dọa lợi ích của các quốc gia khác ở Biển Đông.
“Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí ở Biển Đông là nhằm mục đích dọa dẫm và bắt nạt”, ông Mattis nói. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó chỉ trích những lời bình luận của ông Mattis là không thể chấp nhận.
Cạnh tranh chiến lược
Bộ trưởng Mattis đã thăm châu Á 7 lần trong vòng 17 tháng kể từ lúc nhậm chức, nhưng chưa đến Bắc Kinh và chưa từng gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Theo ông Mattis, những cuộc hội đàm ở Bắc Kinh là nhằm xác định các ý định chiến lược lâu dài của Trung Quốc và những lĩnh vực có thể hợp tác quân sự. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về mối quan hệ cấp quân sự giữa hai bên.
Dù vậy, AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc gọi Mỹ-Trung Quốc là hai “đối thủ chiến lược” và cho rằng Washington cần phải tăng cường gây áp lực đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC chỉ là “bước đi đầu tiên”, theo quan chức này.
Bình luận (0)