Mỹ sẽ thử hạt nhân đầu tiên sau nhiều thập niên?

23/05/2020 15:21 GMT+7

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thảo luận về khả năng tiến hành cuộc thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992, được cho là nhằm gửi thông điệp cảnh báo đến Nga và Trung Quốc , theo tờ The Washington Post .

Tờ The Washington Post ngày 22.5 dẫn lời một quan chức cấp cao và hai cựu quan chức giấu tên tiết lộ khả năng tiến hành cuộc thử hạt nhân đã được thảo luận trong cuộc họp của chính phủ Mỹ hôm 15.5.
“Điều này giúp Washington chứng minh khả năng "thử hạt nhân nhanh chóng" và sẽ là chiến thuật đàm phán hữu hiệu khi Mỹ muốn cả Nga lẫn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán để có một thỏa thuận ba bên về kiểm soát vũ khí hạt nhân”, vị quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói.
Các nguồn tin của The Washington Post cho biết thêm hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ Mỹ đã thống nhất hoặc đưa ra kế hoạch cụ thể cho cuộc thử hạt nhân hay không.
Các tổ chức và chuyên gia về giải trừ vũ khí hạt nhân ngay lập tức lên án ý tưởng này. "Nếu Mỹ thử hạt nhân thì điều này sẽ kích ngòi cuộc chạy đua vũ trang mới, đồng thời phá vỡ tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với CHDCND Triều Tiên", ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ), nói với The Washington Post.
Động thái này diễn ra sau khi một số quan chức Mỹ cảnh báo nguy cơ Nga và Trung Quốc thử hạt nhân ở cấp độ thấp. Moscow và Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc và Mỹ cũng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần thay đổi chính sách quốc phòng. Mới đây, Tổng thống Trump hôm 21.5 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở trong vòng 6 tháng tới với cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm các điều khoản. Hiệp ước Bầu trời mở cho phép những chuyến bay giám sát đối với 35 nước tham gia nhằm hạ thấp nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Các lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo ngại và kêu gọi Tổng thống Trump cân nhắc lại.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga vào năm ngoái. Bên cạnh đó, Washington và Moscow đều thể hiện ý định không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược năm 2010 (New START) vốn sẽ hết hạn vào tháng 2.2021. Theo New START, Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân.

Đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ W76 do hãng Pantex (Mỹ) sản xuất

Pantex

Trước thềm cuộc bầu cử tháng 11, Tổng thống Trump cũng đã tăng cường giọng điệu chống Trung Quốc trong những tuần gần đây, liên tục cáo buộc Bắc Kinh che đậy thông tin, xử lý trì trệ dịch Covid-19 lúc mới bùng phát khiến đại dịch lan rộng toàn cầu. Chủ nhân Nhà Trắng nhiều lần đe dọa trả đũa Trung Quốc và Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc từ ông Trump.
Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Trump đã yêu cầu Trung Quốc phải tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí mới với Nga. Ông Trump đồng thời nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Moscow cần tránh "cuộc chạy đua vũ trang tốn kém".
Đây không phải là lần đầu tiên chính sách quốc phòng của chính phủ Tổng thống Trump dẫn đến mối lo ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân bùng phát. Hồi tháng 2, Lầu Năm Góc tuyên bố đã triển khai một tàu ngầm mang tên lửa tầm xa mới có đầu đạn hạt nhân tương đối nhỏ nhằm đáp trả các cuộc thử nghiệm vũ khí tương tự của Nga.
Theo giới chuyên gia, Mỹ đang theo đuổi chiến lược phát triển đầu đạn hạt nhân “hiệu suất thấp” (tức có lượng phóng xạ hạn chế) để tiến hành tấn công quy mô nhỏ, gây ra ít thiệt hại hơn nhằm tránh nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân toàn cầu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.