Mỹ xem Việt Nam là đối tác đáng tin cậy

30/04/2020 09:00 GMT+7

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie C. Damour nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng và đáng tin cậy trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt Nam, Tổng lãnh sự Damour đã chia sẻ về mối quan hệ hợp tác song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là tình hình Biển Đông:

Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam hiện nay?

Ngày nay, Mỹ và Việt Nam có mối quan hệ đối tác, tình hữu nghị thực sự dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung về hòa bình, thịnh vượng cho nhân dân hai nước. Chúng tôi tiếp tục duy trì cam kết hợp tác trong tất cả lĩnh vực để đảm bảo tương lai tươi sáng, hòa bình và thịnh vượng cho người dân hai nước bởi vì chúng ta là đối tác đáng tin cậy. Mỹ-Việt Nam thiết lập một mức độ tin cậy và hợp tác, bao gồm giữa quân đội hai nước, phản ánh lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau.
Thương mại, đầu tư và giáo dục là những nền tảng quan trọng trong quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai bên. Chúng tôi phối hợp với chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các đại học hàng đầu phát triển chương trình giảng dạy và cải tiến hệ thống giáo dục. Trong 25 năm qua, chúng tôi duy trì và sẽ tiếp tục chương trình trao đổi giáo dục giữa hai quốc gia. Một trong những niềm tự hào nhất là mang chất lượng giáo dục Mỹ đến Việt Nam, cụ thể là đại học Fulbright Việt Nam. Bên cạnh đó, số liệu cho thấy 30.000 sinh viên Việt Nam theo học các chương trình ở Mỹ và đây là thế hệ vàng sẽ mang kiến thức, kỹ năng về đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Cách đây 25 thương mại hai chiều bằng 0 nhưng đến năm 2019 đạt hơn 77 tỉ USD và ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đến đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Mỹ sẵn sàng giúp đỡ khi Việt Nam đang đảm nhận vị trí lãnh đạo toàn cầu trong năm nay, bao gồm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và chủ tịch ASEAN. Ngoài ra, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Xin bà cho biết vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng và đáng tin cậy trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện qua những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên, cụ thể Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có 2 chuyến thăm Việt Nam. Vào tháng 11.2017, ngay tại Việt Nam, Tổng thống Trump đã nêu rõ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và cởi mở, hướng đến thương mại tự do, công bằng, môi trường đầu tư mở và tự do hàng hải. Mỹ hoan nghênh các nước lớn và nhỏ tham gia vào tầm nhìn này.
Bên cạnh đó, Mỹ mở rộng hợp tác an ninh, quốc phòng với Việt Nam dựa trên mong muốn chung là thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2016, chúng tôi đã gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, một trong những dấu tích cuối cùng của chiến tranh.
Hiện Mỹ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực đảm bảo an ninh hàng hải, chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton đã qua sử dụng cho Việt Nam hồi năm 2017. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11.2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ chuyển giao tàu tuần tra thứ hai. Trong hai năm qua, Mỹ bàn giao tổng cộng 24 tàu tuần tra Metal Shark cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, hỗ trợ họ huấn luyện, bảo trì tàu và phát triển cơ sở hạ tầng.
Ngày 5.3, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng, đánh dấu 25 năm kể từ khi Mỹ-Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai của Mỹ đến Đà Nẵng, sau chuyến thăm lịch sử tháng 3.2018 của USS Carl Vinson, tàu sân bay đầu tiên đến Việt Nam trong hơn 40 năm qua. Các chuyến thăm này đã chứng minh những bước tiến vượt bậc trong mối quan hệ song phương.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trên vịnh Đà Nẵng. Đây là tàu sân bay thứ hai của Mỹ ghé thăm Đà Nẵng, sau chuyến thăm trước đó của tàu sân bay Carl Vinson năm 2018

Đậu Tiến Đạt

Xin bà cho biết phản ứng của Mỹ đối với hành động gây hấn của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông.

Tôi nhấn mạnh rằng Mỹ đã nhiều lần công khai lên án hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng, quân sự hóa các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng với những hành động khác nhằm củng cố yêu sách chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, bao gồm sử dụng dân quân biển để dọa dẫm, chèn ép láng giềng. Những hành động này chống lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và Mỹ kịch liệt phản đối Trung Quốc bắt nạt láng giềng ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành động này.
Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sau cuộc gặp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gần đây, điều quan trọng là phải phơi bày việc Trung Quốc lợi dụng thế giới tập trung ứng phó Covid-19 để tiếp tục thực hiện hành vi khiêu khích ở Biển Đông.
Ông Pompeo cũng đã chỉ rõ những hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông trong tháng 4, bao gồm: thành lập 2 đơn vị hành chính cấp quận - huyện bất hợp pháp để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam; xây trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi ở Trường Sa; điều đội tàu dọa dẫm và ngăn chặn láng giềng thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi.
Trung Quốc sẽ không thể xây dựng được niềm tin với láng giềng và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng cách duy trì chiến thuật bắt nạt. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh cùng đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội phát triển kinh tế khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Mỹ-Việt Nam phối hợp cùng nhau để hàn gắn vết thương chiến tranh, giữ vững niềm tin và tình bằng hữu ngày càng bền chặt hơn. Cụ thể, chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ công tác tìm kiếm binh sĩ mất tích của cả hai phía. Điều này là nhằm đảm bảo tôn trọng tất cả những người đã hy sinh trong chiến tranh, bất kể họ đứng về phía nào.
Đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 400 triệu USD để don dẹp những khu vực nhiễm dioxin, loại bỏ bom mìn chưa nổ và hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Vào tháng 12.2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) và các đối tác đã bắt đầu những hoạt động dọn dẹp dioxin tại sân bay Biên Hòa. Chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ 300 triệu USD để khôi phục sân bay cùng các khu vực xung quanh, dự kiến mất 10 năm để hoàn thành.
 

Mỹ đánh giá cao cách Việt Nam ứng phó đại dịch Covid-19

Chính phủ Mỹ đánh giá Việt Nam không chỉ phản ứng hiệu quả trước đại dịch Covid-19 mà còn hào phóng, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bằng hữu cùng đối tác, tặng hàng triệu khẩu trang và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho một vài quốc gia, bao gồm Mỹ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng triệu PPE sang Mỹ. Thông qua USAID, chính phủ Mỹ đang cung cấp gần 4,5 triệu USD cho các đối tác triển khai dự án tại Việt Nam và đang phối hợp với chính phủ Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu ưu tiên trong công tác ứng phó đại dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.