Nắm đấm chống tham nhũng ở Indonesia

13/08/2008 09:41 GMT+7

Các chiến dịch bài trừ tham nhũng mạnh mẽ đang được tiến hành gần đây ở Indonesia khiến nhiều quan chức và nghị sĩ hốt hoảng.

Đánh quan tham quyết liệt

Từ nhiều năm qua, các tin đồn về tình trạng tham nhũng luôn là nỗi ám ảnh trong giới nghị sĩ Indonesia. Một bài viết của BBC mới đây đã kể chuyện một nghị sĩ ở đất nước Đông Nam Á, theo đó đã từ lâu ông này không dám nói mình đang làm nghề gì nữa. "Nếu tôi đi taxi và bác tài hỏi tôi làm nghề gì, tôi sẽ nói với ông ta rằng tôi là một nhà văn", ông nghị này nói. Ông cho rằng như vậy sẽ dễ chịu hơn vì thái độ của người dân đối với Quốc hội bây giờ không tốt đẹp gì. "Nếu nói rằng tôi là một nghị sĩ, tôi e rằng ông ta sẽ tức giận", ông này phân trần.

Trong những tháng gần đây, Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) đã vào cuộc để điều tra nhiều thành viên Quốc hội về tham nhũng. Hành động của KPK, theo BBC, được cho là chưa từng có ở Indonesia.

KPK đã điều tra 6 nghị sĩ và mới đây điều tra vụ bê bối tham nhũng có thể liên quan tới tất cả 53 cựu nghị sĩ thuộc Ủy ban Tài chính của Quốc hội, trong đó có 2 thành viên nội các. Đây thật sự là một cơn địa chấn đối với Quốc hội Indonesia. Nghị sĩ Eva Kusuma nói: "Phản ứng ban đầu là đau đớn và xấu hổ. Mọi người đều có cảm giác rằng KPK đang vượt quá những gì được luật cho phép". Nhưng theo luật pháp thì KPK có quyền nghe lén điện thoại, phong tỏa tài khoản, cấm việc đi lại, yêu cầu đình chỉ chức vụ và có thể tiếp nhận các thông tin điều tra từ cảnh sát và công tố.

Nỗi ám ảnh

Các quyền của KPK đều được Quốc hội phê chuẩn. Điều trớ trêu là chính một số nghị sĩ nghĩ rằng họ có thể là mục tiêu bị điều tra. Hajriyanto Thohari, một thành viên cấp cao của đảng Golkar chiếm đa số trong Quốc hội, nói: "Thật buồn cười. KPK được Quốc hội lập ra. Các chính sách cho cơ quan này được Quốc hội thông qua. Thành viên của KPK được Quốc hội bầu chọn. Và giờ đây các thành viên Quốc hội phải sợ KPK". Ông Thohari ước tính có khoảng 20% nghị sĩ tham nhũng và lạm quyền. Một số người khác cho rằng con số này cao hơn. Một số nghị sĩ nói rằng "văn hóa sợ" giờ đây lan đến cả những nghị sĩ trong sạch vì họ sợ rằng có thể bị điều tra bởi những lỗi lầm nho nhỏ. Một nghị sĩ giấu tên nói với BBC: "Hầu hết mọi người đều rất cẩn trọng khi sử dụng điện thoại. Mọi người hay gặp nhau nói chuyện trực tiếp hơn bởi họ sợ KPK có thể hiểu sai ý của họ". Một số học giả cho rằng chuyện này không hề nực cười trong khi nhiều nghị sĩ nói rằng trên thực tế, họ hoan nghênh việc trong sạch hóa Quốc hội. Tuy nhiên, theo lời một nghị sĩ Indonesia mà BBC trích thì: "Tệ hối lộ vẫn hoành hành trong Quốc hội. KPK chỉ có thể dọa được những quan tham thông thường nhưng lại làm những quan chức vốn đã tinh vi lại càng tinh vi hơn". Hiện đang có nhiều lời kêu gọi KPK "lấn sân" sang chính phủ và tòa tối cao. Một số chính trị gia, trong đó có cả Chủ tịch Quốc hội, đã bắt đầu kêu gọi áp dụng án tử hình cho một số vụ tham nhũng nghiêm trọng.

Nỗi sợ bị điều tra tham nhũng giờ đây đã vượt ra ngoài phạm vi Quốc hội. Agus Rahardjo, Trưởng bộ phận thu mua hàng hóa của Cơ quan Hậu cần Quốc gia, nói người ta giờ đây có trách nhiệm hơn với các dự án bởi chiến dịch bài trừ tham nhũng mới này. Còn đối với ngành hải quan thì sao? Theo Hiệp hội các doanh nhân Indonesia, chiến dịch bài trừ tham nhũng quyết liệt đã ảnh hưởng đến các quan chức ngành hải quan. Việc xuất và nhập hàng vào Indonesia bị đình trệ. Một doanh nhân cho hay những chuyến hàng trước đây thường mất 3 ngày để lưu thông qua cảng thì giờ đây phải mất tới vài tuần. Phòng Thương mại Indonesia gần đây đã đem vấn đề trên lên trình bày với KPK. Một quan chức KPK, ông Haryono Umar, cho rằng đây là vấn đề thuộc về tiền lương. Đối với những viên chức nhà nước hưởng lương thấp, việc ăn hối lộ dường như là thu nhập chính của họ. Theo ông Umar, nếu không có khoản thu nhập "ngoài lương" này, họ ít có động lực để làm việc. Nhưng trên thực tế thì trước khi các chiến dịch bài trừ tham nhũng nhằm vào ngành hải quan không lâu, cán bộ tại đây đã được tăng lương. Các nhà phân tích cho rằng cần phải có một sự cải tổ trên diện rộng bao gồm cả việc trong sạch hóa các giao dịch mua bán, vi tính hóa các hệ thống quản lý và trả lương cao hơn. 

Việt Phương (VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.