Hôm nay 6.5, Triều Tiên tiến hành đại hội đảng Lao động đầu tiên kể từ năm 1980. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang là tâm điểm chú ý với những màn phóng tên lửa và thử hạt nhân lần thứ tư hồi đầu năm. Bên cạnh đó, truyền thông quốc tế cũng đánh giá kinh tế Triều Tiên đang suy yếu vì cấm vận.
Hãng tin AP chỉ ra những điểm cần biết về sự kiện lớn tại một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
Đại hội đảng Lao động Triều Tiên là gì?
Đây là thời điểm cơ quan cầm quyền tối cao tại Triều Tiên sẽ bàn bạc, quyết định các chính sách lớn nhất của đất nước, xem xét lại các dự án trước đây, cải tổ hệ thống, quan chức cũng như sửa đổi những quy định.
Đây là đại hội đảng lần thứ 7 trong lịch sử CHDCND Triều Tiên. Cả 6 dịp trước đều diễn ra dưới thời cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), ông nội của lãnh đạo Triều Tiên hiện tại Kim Jong-un. Lần gần nhất đại hội đảng Triều Tiên diễn ra vào năm 1980, với 118 đoàn đại biểu các nước đến tham dự.
Tại sao lại gián đoạn 36 năm?
Theo lý thuyết, đảng Lao động Triều Tiên sẽ tổ chức đại hội 5 năm một lần. Tuy nhiên từ sau sự kiện năm 1980, chủ tịch Kim Nhật Thành được cho đã yêu cầu đại hội tiếp theo chỉ được tổ chức trong điều kiện chính phủ cải thiện đời sống nhân dân, và có khả năng đảm bảo "nhân dân có cơm ăn và súp thịt bò mỗi bữa".
Mặc dù vậy trong những năm 1990, người dân Triều Tiên đối mặt với nạn đói khủng khiếp làm chết hàng trăm ngàn người, buộc đất nước phải tập trung giải quyết vấn đề kinh tế. Sau khi ông Kim Nhật Thành qua đời, lãnh đạo kế vị Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) cũng không tổ chức đại hội đảng trong suốt 17 năm cầm quyền. Truyền thông phương Tây nói nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ ưu tiên cho quân sự.
|
Vậy, tại sao năm nay Triều Tiên lại tổ chức đại hội đảng? Có lẽ do kinh tế Triều Tiên đã ổn định hơn kể từ lúc ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011. Theo ước tính của Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng đều, khoảng 1%/năm từ năm 2011 tới 2014. Và rất có thể, việc tổ chức đại hội cũng là một cách để lãnh đạo Kim Jong-un học theo phong cách của ông nội, cũng như chứng tỏ rằng ông đang điều hành một đất nước ổn định, AP nhận xét.
Trông đợi gì từ đại hội này?
Cả hai lãnh đạo Kim Jong-il (1980) trước đây và Kim Jong-un (2010) hiện tại đều có màn ra mắt quốc tế bằng cách đảm nhiệm những vị trí cấp cao trong các sự kiện lớn của đảng, như một cách chứng tỏ họ sẵn sàng tiếp nối công việc điều hành đất nước. Chính vì thế, đại hội đảng lần này cũng gần như không có biến cố nào, theo AP.
Lý do Bình Nhưỡng tổ chức đại hội đảng
Các nhận xét từ Hàn Quốc nói ông Kim Jong-un có thể sẽ nắm chức Tổng Bí thư của đảng Lao động Triều Tiên, một vị trí vốn được gắn “trọn đời” cho cựu lãnh đạo Kim Jong-il sau khi ông qua đời năm 2011. Mặc dù vậy, AP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng điều này không mang nhiều ý nghĩa. Sẽ không quá nhiều sự xáo trộn trong nhân sự cấp cao, vì ông Kim Jong-un đã tiến hành nó từ trước.
Những nhân vật chính
Một số thông tin cho thấy ông Kim Yong-nam, 88 tuổi, Chủ tịch của Bộ chính trị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên sẽ rời vị trí vì tuổi tác. Như thế, ông cũng có thể mất vị trí Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Như vậy ông Choe Ryong-hae, được xem là nhân vật số 2 của Triều Tiên, từng là thành viên của Đoàn chủ tịch trên, có thể được bầu vào vị trí của ông Kim Yong-nam.
Kim Jong-un sẽ cất nhắc em gái lên vị trí cao nhân đại hội đảng
Cô Kim Yo-jong, được cho 29 tuổi - em gái lãnh đạo Kim Jong-un, đang giữ chức phó giám đốc của một cơ quan thuộc Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên và phụ trách tuyên truyền, cũng nhiều khả năng sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn, có thể là vị trí thay thế người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên là Kim Ki Nam, đã 86 tuổi.
Tất cả tập trung vào lãnh đạo Kim Jong-un
Những phát biểu, những chính sách mới được công bố về kinh tế, quân sự, hạt nhân... dự kiến sẽ được lãnh đạo Kim Jong-un công bố hoặc tiết lộ trong đại hội lần này.
|
Theo quan sát từ Hàn Quốc và Mỹ, rất có thể ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục nói về các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng nhằm đối phó với mối đe dọa từ Mỹ, trong khi phía Hàn Quốc từng khẳng định Triều Tiên sẽ có vụ thử hạt nhân lần thứ 5 trong năm nay.
Bình luận (0)