|
Trong lúc số phận con tàu Sunrise 689 của Công ty cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng chở hơn 5.000 tấn dầu mất tích từ hôm 2.10 còn là điều bí ẩn, thì “khả năng bị cướp biển là rất cao”, một chuyên gia cung cấp dịch vụ theo dõi lộ trình tàu biển nhận định với Thanh Niên. Vị trí cuối cùng theo ghi nhận của website Marinetraffic.com cho thấy tàu đã vượt qua eo biển Singapore, và bắt đầu hòa vào vùng phía nam biển Đông. “Vùng này hiện là điểm nóng của nạn cướp tàu dầu”, chuyên gia nói trên cho biết.
Điểm nóng hàng hải
Vụ cướp gần đây nhất được công bố ở nam biển Đông xảy ra ngày 28.8.2014 tại vị trí gần đảo du lịch Tioman, phía đông Malaysia, khi các tên cướp có vũ trang tấn công một tàu chở dầu của Thái Lan trên đường từ Singapore về nước. Trung tâm thông báo cướp biển (PRC) của Văn phòng hàng hải quốc tế (IMO) đóng tại Kuala Lumpur (Malaysia) cho hay toàn bộ dầu bị băng cướp bơm hết ra một tàu khác, trong lúc thủy thủ đoàn bị nhốt trong phòng máy. Sau khi hút hết dầu, thủy thủ đoàn cùng con tàu được thả và trở về Thái Lan nguyên vẹn. Giám đốc Trung tâm Noel Choong cho hay đây là vụ thứ 10 kể từ tháng 4.2014. “Con số đó là cao bất bình thường. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia trong vùng hợp tác điều tra và ngăn chặn hiểm họa này”, ông Choong nói.
Một trong 10 vụ “đình đám” mà ông Choong nói tới là vụ cướp tàu Orapin 4, cũng của Thái Lan, chở 3.700 tấn dầu đi từ Singapore sang cảng Pontianak thuộc tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Borneo của Indonesia ngày 28.5.2014. Mười tên cướp mang theo súng và dao đi tàu cao tốc, bám đuôi và trèo lên tàu Orapin 4, nhốt các thủy thủ vào hầm bên dưới, rồi tắt hệ thống liên lạc trên tàu và bơm hết dầu ra tàu của chúng trong vòng 10 giờ. Con tàu bị bọn cướp cạo sửa tên thành “Rapi” cùng 14 thủy thủ được trả về nước an toàn 4 ngày sau đó, trong khi số dầu trị giá 1,9 triệu USD thì đã “bốc hơi”.
Vùng nam biển Đông, nơi tiếp giáp eo Singapore và eo Malacca nối từ nam Ấn Độ Dương, là một tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Mỗi năm có trên 120.000 tàu hàng đi qua tuyến hải hành đảm trách 1/3 tổng giá trị thương mại hàng hải thế giới này. Khoảng 70 - 80% lượng dầu nhập khẩu vào 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản đi qua tuyến đường này. Với diện tích rộng lớn và hệ thống an ninh được cho là còn mỏng, vùng biển này đang trở thành “điểm nóng” số một của thế giới về cướp biển, theo một báo cáo hồi tháng 7.2014 của LHQ. Đặc biệt, nạn cướp tàu dầu đang trở thành một “hiện tượng”.
Có sự thông đồng ?
Tạp chí Time hồi tháng 8.2014 đã thực hiện một loạt phóng sự điều tra về nạn cướp tàu dầu ở biển Đông và nghi ngờ có dấu hiệu thuyền trưởng câu kết với cướp biển. Chẳng hạn trong số 11 vụ cướp tàu dầu gần đây, có đến 4 vụ là tàu của hãng Thai International Tankers (TIT) trụ sở ở Bangkok. Orapin 4 là một trong số 4 con tàu của hãng này bị cướp trong vòng 8 tháng, từ 8.2013 - 5.2014. Thuyền trưởng tàu Orapin 4 được tin là vô can trong vụ cướp ngày 28.5.2014, nhưng “tần suất” tàu của hãng TIT bị cướp cao bất thường như vậy nên không khỏi gây nghi ngờ. Chưa hết, ở một số vụ cướp, thuyền trưởng khi được thả ra và có thể khôi phục hệ thống liên lạc đã không báo ngay về cho chủ tàu khiến cơ hội điều tra và vây bắt tàu cướp bị vuột mất.
Ông Nicholas Teo, một cựu chỉ huy trong lực lượng hải quân Singapore, hiện là Giám đốc Trung tâm chia sẻ thông tin của Cơ quan Hợp tác chống cướp biển có vũ trang châu Á (ReCAAP) nhận định các vụ cướp gần đây có quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và tỉ mỉ như các cuộc đột kích quân sự. Trong một số vụ cướp tàu dầu, ông Teo nói thẳng “Chúng tôi tin rằng có thông tin tay trong”.
Nhiều khả năng tàu chở dầu Sunrise 689 của VN bị cướp biển khống chế Chiều 7.10, đại tá Ngô Ngọc Thu, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN, nhận định nhiều khả năng tàu chở dầu Sunrise 689 cùng 18 thuyền viên của Công ty cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng (trụ sở tại Hải Phòng) mất tín hiệu liên lạc trên hành trình từ Singapore về Quảng Trị (VN) bị cướp biển tấn công. Các cơ quan tìm kiếm cứu nạn đang tích cực xác minh thông tin này. Đại tá Ngô Ngọc Thu cho biết phía VN đã chia sẻ thông tin với Trung tâm chống cướp biển, cướp có vũ trang khu vực châu Á và các nước trong khu vực để mở rộng tìm kiếm tàu Sunrise 689. Tuy nhiên, đến 18 giờ ngày 7.10, vẫn chưa có thông tin gì về con tàu này. Cũng theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, qua tín hiệu vệ tinh của Indonesia ghi nhận được, vị trí cuối cùng của tàu Sunrise 689 trước khi bị mất tín hiệu liên lạc nằm trong vùng biển của Indonesia. Theo quy định quốc tế, Indonesia sẽ là quốc gia chủ trì việc xác minh thông tin, điều tra về sự việc xảy ra đối với tàu Sunrise 689. L.Quân - P.Hậu |
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Trung Quốc điều tàu chiến hiện đại nhất ra biển Đông tập trận
>> Philippines chỉ trích Trung Quốc về biển Đông
>> Trung Quốc tập trận 'tranh chấp biển Đông leo thang thành xung đột
>> Indonesia tăng cường sức mạnh quân sự ở biển Đông
Bình luận (0)