IPBF lần thứ ba được khai mạc tại Hà Nội vào sáng qua và kéo dài trong 2 ngày. Đây là sự kiện do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương cùng các cơ quan chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tổ chức. Hơn 1.000 đại biểu đã tham gia tại chỗ hoặc từ xa qua nền tảng trực tuyến.
Ba mũi nhọn chiến lược mới
Tại diễn đàn, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) đã công bố ba mũi nhọn mới với mục tiêu nâng cấp tầm nhìn chiến lược tại một trong những khu vực năng động nhất thế giới. Đó là Chiến lược số 2021, Chiến lược Năng lượng mới 2021, Chiến lược Giao thông 2021; theo đó tập trung đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng ở 3 mảng này, cũng như đẩy mạnh nâng cấp khía cạnh công nghệ và kỹ thuật tại các nước trong khu vực. Trong đó, nội dung của Chiến lược Năng lượng mới 2021 cũng đã được phản ánh rõ trong các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam. Đa phần trong tổng cộng 7 thỏa thuận và bản ghi nhớ hợp tác được ký kết tại diễn đàn vào hôm qua đều thuộc lĩnh vực năng lượng, bao gồm điện khí từ khí hóa lỏng, nhiên liệu ethanol, với tổng trị giá hàng tỉ USD.
Chứng kiến các lễ ký kết trên, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận xét việc tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại phản ánh một thực tế: “Việt Nam và Mỹ giờ đây là những đối tác quan trọng của nhau”. Tham dự diễn đàn từ xa, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đích thân thông báo về thỏa thuận được ký kết giữa Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) và Tập đoàn năng lượng AES của Mỹ. “Việt Nam đã bật đèn xanh cho Tập đoàn AES, trụ sở tại bang Virginia, xúc tiến dự án”, Ngoại trưởng Pompeo thông tin trước hội nghị.
|
Thỏa thuận gắn với cam kết của Mỹ
Thỏa thuận giữa PV Gas và AES trị giá 1,4 tỉ USD (hơn 32.447 tỉ đồng), nhằm phát triển kho cảng khí hóa lỏng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Bình Thuận. Trên cơ sở bản ghi nhớ được ký kết vào ngày 12.11.2017, trải qua quá trình đàm phán, cho đến nay các điều khoản chính đã được hoàn thành và cho phép tiến hành lễ ký kết trực tuyến “Thỏa thuận các điều khoản chính của Hợp đồng liên doanh dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ”. Ông Pompeo dự báo thỏa thuận trên sẽ mở ra cánh cửa cho phép Mỹ mỗi năm xuất khẩu hàng tỉ USD khí hóa lỏng vào Việt Nam, và khẳng định cả hai nước đều có lợi trong lĩnh vực hợp tác này. “Các công ty Mỹ tuân thủ pháp luật và sự minh bạch, cam kết tiêu chuẩn rất cao về chất lượng sản phẩm. Tôi phải nói như thế vì điều này hoàn toàn khác biệt với những tập đoàn Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh”, ông Pompeo nói về lợi thế cạnh tranh của các công ty Mỹ.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng chứng kiến việc ký kết thỏa thuận hợp tác tổng thể trị giá 3 tỉ USD giữa Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, và các bản ghi nhớ hợp tác năng lượng tại Hải Phòng, Long An.
AES là tập đoàn năng lượng có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ), một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng và nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất tại Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn. AES có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện cũng như xây dựng hạ tầng trong ngành công nghiệp khí. Theo Reuters, Tập đoàn AES chia thành 4 đơn vị chiến lược theo định hướng thị trường, gồm Mỹ, Puerto Rico, El Salvador; Nam Mỹ (Chile, Colombia, Argentina và Brazil); MCAC (Mexico, Trung Mỹ và Carribean); và Âu - Á.
Tại Việt Nam, AES đã đầu tư vào dự án Nhà máy điện than Mông Dương 2 với công suất 1.242 MW tại Quảng Ninh. Theo chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương, dự án có vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD, gồm 2 tổ máy được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và 100% đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Khánh An
|
Bình luận (0)