Nét Việt nhạt phai tại New Orleans

20/05/2018 06:00 GMT+7

New Orleans từng là một trong những thành phố có cộng đồng người Việt gắn kết nhất tại Mỹ nhưng dấu ấn ấy đang phai nhạt dần do nhiều yếu tố.

Village de l’Est, khu dân cư nằm ở rìa phía đông New Orleans, bang Louisiana là nơi sinh sống của hàng ngàn người Mỹ gốc Việt từ nhiều thập niên qua. Dù không lớn như ở California hay Texas nhưng Village de l’Est từng được coi là một trong những cộng đồng gốc Việt gắn kết nhất, theo tờ The New York Times.
Hệ quả từ thảm họa
Trong quá khứ, với ngành ngư nghiệp phát triển, New Orleans thu hút được người nhập cư gốc Việt từ khi họ vừa đặt chân đến đất Mỹ. Theo bà Cyndi Nguyen, trong khoảng 30 năm đầu tiên hình thành, cộng đồng gốc Việt ở New Orleans sống quây quần và gắn kết, tách biệt với phần còn lại của thành phố bởi ngôn ngữ, rào cản văn hóa cũng như vị trí biệt lập. Cũng như bao người gốc Việt khác, gia đình bà Cyndi cũng theo ngành thủy sản với người cha làm ngư dân, còn người mẹ bóc vỏ tôm cho một công ty. Tuy nhiên, mọi thứ đảo lộn từ sau trận siêu bão Katrina năm 2005 và vụ tràn dầu ở giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010. Hậu quả của những thảm họa này đã tác động nặng nề đến đời sống của người Việt tại New Orleans.
Bên trong cửa hàng tạp hóa Minh Canh ở Village de l’Est
Ông Khai Nguyen, quản lý của tổ chức phi lợi nhuận MQVN tại New Orleans, cho biết rất nhiều người lâm vào cảnh trắng tay sau vụ tràn dầu vì 1/3 dân cư của cộng đồng hoạt động trong những ngành nghề bị thiệt hại nặng nề như đánh cá, chủ nhà hàng, bán hải sản hay tách vỏ hàu. MQVN được thành lập sau bão Katrina để giúp giải quyết những khó khăn của cộng đồng và gây dựng một số dự án thành công như giúp xây nhà kính, nông trại cùng nhiều chương trình khác. Tuy nhiên, điều đó dường như chưa đủ để giải quyết những khó khăn về kinh tế và giữ chân thế hệ trẻ ở lại.
“Không có đủ công ăn việc làm. Không lâu trước đây, nguyên dãy này đều là cửa hàng của người Việt nhưng giờ tỷ lệ đã giảm mạnh”, ông Anh Hoang, chủ cửa hàng tạp hóa Minh Canh tại Village de l’Est, vừa nói vừa chỉ về những cửa hàng cũ kỹ khóa chặt cửa trên phố. Ông Aaron Truong, chủ một khu mặt bằng cho thuê, cho biết khoảng 60% các văn phòng bị bỏ trống, không ai đến hỏi thuê nữa. “Có những cơ hội lớn hơn ở các nơi khác, đặc biệt là cho lứa trẻ”, ông Truong chia sẻ với The New York Times.
Nguyên nhân nội tại
Cộng đồng Việt tại New Orleans trước đây được cho là luôn nỗ lực gìn giữ những nét truyền thống đặc trưng của văn hóa Việt, xoay quanh 3 yếu tố tiêu biểu là tín ngưỡng, gia đình và ẩm thực. Tuy nhiên, những đặc trưng đó cũng dần mờ đi qua các thế hệ hoặc bị tiếp biến bởi văn hóa bản địa. Theo ông Hoang, chính sự chuyển đổi văn hóa của cộng đồng phần nào dẫn đến tình hình hiện nay. “Trước đây, chúng tôi sống hướng về gia đình nhiều hơn. Thời đó, người Việt ở đây gắn bó với nhau nhưng giờ khác rồi. Chúng tôi đang chuyển tiếp. Mỗi thế hệ càng ngày càng tiến gần lối sống của người Mỹ, sống cá nhân hơn”, ông Hoang thở dài.
Trong khi đó, thế hệ trẻ kế cận không còn rành tiếng Việt và ít tham gia các hoạt động cộng đồng. Việc chuyển đến thành phố khác để theo đuổi các bậc học cao hơn phổ thông cùng cơ hội nghề nghiệp sau đó đang đẩy lứa trẻ người Mỹ gốc Việt đi xa hơn, đến những bang như California hay Texas, đặc biệt là giữa lúc việc làm ở địa phương đang rất thiếu thốn. Tuy nhiên, cũng vẫn có những gương mặt trẻ đang nỗ lực bám trụ để bảo tồn nét Việt ở Village de l’Est. Một trong những trường hợp thành công lại chính nhờ khéo léo tích hợp văn hóa truyền thống với văn hóa bản xứ như cửa hàng bánh mì Dong Phuong nổi tiếng hay nhà hàng Namese do anh em nhà họ Đoàn làm chủ. “Chúng tôi kế thừa nhiều công thức truyền thống từ cha mẹ nhưng thế hệ chúng tôi có thêm một ít kiến thức kinh doanh và cũng sẵn sàng kết hợp các yếu tố của văn hóa New Orleans”, ông Hiếu, một thành viên nhà họ Đoàn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.