Nga hạ thủy tàu phá băng hạt nhân lớn nhất thế giới

26/05/2019 18:00 GMT+7

Con tàu dài 170 m với chiều cao tương đương tòa nhà 5 tầng xuyên phá được lớp băng dày đến 3 m.

Đài RT ngày 26.5 đưa tin Nga vừa hạ thủy tàu phá băng hạt nhân Ural được thiết kế để mở đường cho tàu bè đi qua những lớp băng dày ở Bắc Cực, đồng thời rút ngắn tuyến đường thủy Á - Âu.
Ural là một trong 3 tàu thuộc Dự án 22220 nhằm xây dựng hạm đội tàu phá băng hạt nhân hùng hậu nhất thế giới. Theo thiết kế, những tàu này có thể xuyên phá những lớp băng dày đến 3 m, điều mà chưa tàu phá băng nào trước đây có thể làm được.
Nghi thức đập chai rượu champagne vào thân tàu khi hạ thủy Ảnh chụp màn hình Sputnik
Tàu có chiều dài hơn 170 m và cao tương đương một tòa nhà 5 tầng. Lễ hạ thủy diễn ra suôn sẻ vào ngày 25.5 (giờ địa phương) tại xưởng đóng tàu Baltic ở thành phố St. Petersburg, với chai rượu champagne đập vỡ tung vào thân tàu theo nghi thức truyền thống.
Tuy nhiên khi tàu được đưa xuống nước trên hệ thống trượt, dây neo đã va vào một số thiết bị bên dưới gây thiệt hại nhẹ. May mắn là những công nhân né được sợi xích lớn này và không ai bị thương.
Ural sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) vào năm 2022 sau khi 2 chiếc cùng loại có tên Arktika (Arctic) và Sibir (Siberia) được biên chế.

Tàu Ural sau khi được hạ thủy Ảnh chụp màn hình RT
Nga được xem là quốc gia sở hữu nhiều vùng lãnh thổ và có hoạt động tích cực nhất ở Bắc Cực, vượt xa nhiều nước khác như Canada, Mỹ và Na Uy. Bắc Cực được ước tính có trữ lượng dầu mỏ lên tới 412 tỉ thùng, chiếm 22% lượng dầu chưa được khám phá trên thế giới.
Đến năm 2035, Tổng thống Nga Vladimir Putin ước tính hạm đội tàu phá băng của nước này sẽ đạt tới con số 13 tàu, trong đó 9 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Moscow hy vọng tuyến đường qua Bắc Cực sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa châu Á và châu Âu so với tuyến đường truyền thống.
[VIDEO] Na Uy, Nga tăng cường lực lượng tại Bắc Cực
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.