Ngòi nổ xung đột Kyrgyzstan - Tajikistan

02/05/2021 08:00 GMT+7

Những mâu thuẫn về lãnh thổ và tài nguyên đã khiến cuộc xung đột giữa Kyrgyzstan và Tajikistan trở thành vấn đề nhức nhối kéo dài hàng chục năm qua.

Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan ngày 1.5 cáo buộc quân đội Tajikistan nổ súng về phía khu dân cư tại huyện Leilik thuộc vùng biên giới Batken tây nam của Kyrgyzstan. Vụ nổ súng vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà hai nước đạt được vài giờ sau khi xung đột bùng phát vào ngày 29.4. Đây là đợt giao tranh nghiêm trọng nhất từ khi hai nước tuyên bố độc lập.

Biên giới nhạy cảm

Kyrgyzstan và Tajikistan là hai nước với hầu hết dân số theo đạo Hồi và tách ra độc lập vào năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Việc hầu hết lãnh thổ được phân định từ thời Liên Xô dẫn đến tình trạng trớ trêu là một số vùng đất, cộng đồng của hai nước này bị cô lập trong lãnh thổ của nhau sau khi giành độc lập.

Tajikistan đưa xe tăng đến biên giới Kyrgyzstan sau vụ xung đột làm 34 người chết

Nga, Uzbekistan hỗ trợ hòa giải

Từ khi xung đột Kyrgyzstan - Tajikistan bùng phát, phía Nga tuyên bố theo dõi sát sao tình hình. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30.4 cho biết Tổng thống Vladimir Putin quan ngại sâu sắc về vụ đụng độ và nhấn mạnh Nga luôn sẵn sàng góp vai trò hòa giải. Nga vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Kyrgyzstan, Tajikistan và có căn cứ quân sự tại hai nước này. Trong khi đó, Tổng thống nước láng giềng Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cũng đã điện đàm riêng với lãnh đạo Tajikistan và Kyrgyzstan để hỗ trợ giảm bớt căng thẳng.
Tâm điểm của đợt xung đột mới nhất xảy ra tại vùng Vorukh, vùng lãnh thổ của Tajikistan bị cô lập trong Kyrgyzstan. Người dân trong vùng này chỉ có thể đi sang những vùng khác của Tajikistan thông qua một con đường qua Kyrgyzstan.
Sự mất lòng tin và nỗi lo bị cô lập khiến cho việc xây dựng, nâng cấp đường sá trong khu vực trở thành vấn đề nhạy cảm và thường vấp phải sự phản đối.
Theo AFP, khoảng 1/3 trong tổng số 970 km đường biên giới giữa hai nước đến nay vẫn chưa được phân định. Những nỗ lực đàm phán bao năm qua giữa các bên không mang lại nhiều kết quả và việc đối thoại gần như bắt đầu lại từ đầu sau mỗi lần thay đổi chính quyền, theo chuyên gia Stas Pritchin thuộc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế tại Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Xung đột giữa cộng đồng Kyrgyzstan và Tajikistan, đôi khi có sự can thiệp của lực lượng quân sự, đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Tháng 7.2019, một người Tajikistan bị bắn chết và nhiều người bị thương trong vụ xung đột vì việc cắm cờ ở biên giới.
Ngòi nổ xung đột Kyrgyzstan - Tajikistan

Cảnh sát Kyrgyzstan tại một vùng biên giới

Ảnh: Bộ Nội vụ Kyrgyzstan

Tranh chấp tài nguyên

Ngoài ra, tranh chấp về nguồn nước cũng là nguồn cơn gây xung đột giữa hai nước. Kyrgyzstan và Tajikistan có nhiều con kênh chung được xây dựng từ thời Liên Xô, nhưng đến khi độc lập, người dân ở hạ lưu thường cáo buộc bên còn lại chặn dòng nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, tưới tiêu.
Theo Đài al-Jazeera, đợt xung đột mới nhất bùng phát sau khi phía Tajikistan lắp đặt hệ thống camera giám sát tại một trạm bơm ở biên giới, khi công nhân Kyrgyzstan sửa chữa trạm bơm, nhưng không thông báo.
Cũng trong tháng 4, phía Kyrgyzstan công bố kế hoạch xây dựng một hồ chứa nước trên một con sông dẫn nước cho cả hai nước. Phía Tajikistan nhanh chóng phản đối vì cho rằng việc xây hồ sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho nhiều vùng phía bắc Tajikistan.
Mâu thuẫn nổ ra khiến dân địa phương hai nước ném đá lẫn nhau. Sau đó, lính biên phòng và quân đội hai bên tham chiến, đấu súng và đấu pháo qua lại. Phía Kyrgyzstan ngày 1.5 thông báo đã có 33 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Trong khi đó, Tajikistan đến nay chưa công bố thông tin về thương vong và thiệt hại vật chất nhưng Reuters dẫn nguồn chính phủ tiết lộ có 8 người Tajikistan thiệt mạng.
Hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào hôm 29.4 và một ngày sau, Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon điện đàm với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, đồng ý gặp nhau vào nửa sau tháng 5. Tuy nhiên, phía Kyrgyzstan tố cáo Tajikistan vẫn tiếp tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Giới quan sát nhận định chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng tại Kyrgyzstan và Tajikistan từ sau khi Liên Xô tan rã khiến những nỗ lực giải quyết xung đột càng trở nên khó khăn, theo TASS. Đợt căng thẳng mới nhất cho thấy biên giới Kyrgyzstan và Tajikistan vẫn là khu vực nhạy cảm và xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.