Người đào huyệt ở Indonesia ‘hầu như không nghỉ ngơi’ trong dịch Covid-19

23/04/2020 11:36 GMT+7

Những người đào huyệt tại Jakarta (Indonesia) làm việc không ngơi nghỉ vì tử thi bệnh nhân Covid-19 được đưa tới liên tục mỗi ngày.

Dưới cái nắng như thiêu đốt ở thủ đô Jakarta (Indonesia), ông Minar (54 tuổi) cố gắng vung xẻng đào huyệt tại nghĩa trang Pondok Rangon trong những ngày bận rộn nhất của 33 năm theo nghề.
Theo Đài Channel NewsAsia, kể từ khi Jakarta ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào giữa tháng 3, số người chết liên tục tăng và những người làm nghề đào huyệt như ông thấy rõ tình trạng chết chóc của dịch Covid-19.
“Nghề của tôi giờ đây rất khác. Hầu như tôi không thể nghỉ giải lao. Lúc này mệt lắm, vì có nhiều thi thể được đưa đến mỗi ngày và tôi phải vất vả đào không ngơi nghỉ”, ông chia sẻ.

[VIDEO] Indonesia xây dựng bệnh viện khẩn cấp đối phó Covid-19

Tính đến ngày 23.4, Indonesia ghi nhận 7.418 ca nhiễm Covid-19 với 635 ca tử vong và 913 ca hồi phục. Khoảng phân nửa các ca tử vong được ghi nhận tại thủ đô.
Cơ quan chức năng yêu cầu tất cả những người tử vong do Covid-19 hoặc nghi do mắc bệnh này đều phải chôn cất tại 2 nghĩa trang ở đông và tây Jakarta.

Hơn 1.000 tử thi

Chính quyền vùng đô thị Jakarta cho biết hơn 1.000 tử thi được chôn cất tại đây theo quy trình liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có nhiều người tử vong trước khi được xét nghiệm.
Có khoảng 80 người làm nghề đào huyệt tại nghĩa trang Pondok Rangon và được chính phủ trả lương 3,6 triệu rupiah (5,5 triệu đồng)/tháng. Họ chi thành 4 nhóm luân phiên phụ trách các công việc đào huyệt, lau rửa một, cắt cỏ và dọn cống rãnh.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Minar phải đào huyệt mỗi ngày thay vì luân phiên làm các việc khác. Mất khoảng 2 giờ để đào 1 huyệt và mỗi ngày ông Minar đào được 5 huyệt.

Thân nhân người xấu số đứng tiễn đưa từ xa

Ảnh: AFP

Trước đây có những ngày nhóm đào huyệt chỉ ngồi chơi vì không có người chết, nhưng giờ đây công việc của họ vừa vất vả, vừa nguy hiểm vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 có thể tiếp tục tồn tại trong tử thi.
“Tôi đang chạy đua với thời gian. Giờ đây đã khác, không có người thân nào của người xấu số đến gần huyệt và mọi thức phải làm thật nhanh”, ông kể.
Không được tụ tập quá 5 người quanh mộ sau khi chôn xong và xe cấp cứu rời đi. Ông Minar cho biết ông phải đối diện với nỗi buồn mỗi khi chứng kiến người thân của các bệnh nhân tử vong đến đưa tiễn và đứng nhìn từ xa.

Nguy cơ lây nhiễm

Ông Minar phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 18 giờ và mặc trang phục bảo hộ cá nhân để đưa các quan tài ra khỏi xe cấp cứu đi chôn.
“Tôi lo lắng vì Covid-19 là bệnh truyền nhiễm. Tôi thực sự rất sợ nhưng đây là trách nhiệm”, ông chia sẻ và kể rằng việc mặc trang phục dưới trời nắng khiến ông cảm giác như bị thiêu đốt.

Một khu vực tại nghĩa trang Pondok Rangon nhìn từ trên cao

Ảnh: AFP

Những khi trời mưa, họ cũng phải tiếp tục công việc. Ông Minar có 5 người con và rất lo nếu mang virus về nhà. Ông cho biết gia đình cũng lo nhưng chỉ biết cầu nguyện cho ông.
“Họ ủng hộ vì nghĩ rằng tôi cũng đóng góp vào cuộc chiến chống Covid-19 bằng nghề của mình”, ông nói và cho biết ông luôn tắm rửa sạch sẽ tại nghĩa trang trước khi về nhà.
Bên cạnh đó, ông may mắn có nhiều hàng xóm ủng hộ và chưa gặp sự kỳ thị nào. Ông và những người đào huyệt khác còn được cộng đồng thông cảm, hỗ trợ cơm hộp buổi trưa và trang phục bảo hộ. Có lần, một tổ chức từ thiện còn giúp họ khám sức khỏe.

[VIDEO] Indonesia phun thuốc khử khuẩn từ trên không để chống dịch Covid-19, hiệu quả còn tranh cãi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.