>> THÚY HẰNG - NGỌC MAI

Nhiều người VN, đặc biệt là các bạn trẻ, rất quan tâm thông tin ông trở về VN. Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về vai trò mới của mình?

Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được đảm nhiệm vị trí hiện tại. Tôi quen biết ông Don Lam của VinaCapital được 5 năm rồi. Chúng tôi đã có vài lần gặp gỡ tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ông ấy đã giới thiệu với tôi về cộng đồng startup (khởi nghiệp) năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết tại VN. Ông đã đề nghị tôi hỗ trợ cộng đồng này bằng mạng lưới quan hệ của tôi.

Tôi cảm thấy hào hứng khi nhìn thấy nhiều người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM. Tôi cảm thấy dường như định mệnh đã dẫn dắt để tôi có thể về đây hỗ trợ họ, đây là sứ mệnh của tôi, và một phần nào đó có thể đền đáp cội nguồn của mình.

So với các nước thì nền kinh tế VN chưa phải là lớn. Ông nói gì về bước đi này trong sự nghiệp của mình?

Đây là một bước tiến của tôi. Đức và VN có những khác biệt về thế mạnh kinh tế, tuy nhiên giữa hai nước vẫn có điểm chung. Đức không có dư thừa nguyên vật liệu thô. VN cũng vậy. Thứ chúng ta có nhiều hơn chính là ý tưởng. Tôi có thể giúp đỡ VN bằng cách nuôi dưỡng những ý tưởng này, sự sáng tạo ở VN. Đó mới là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế chứ không đơn thuần là các loại hàng hóa. Dường như số phận đã dẫn dắt tôi đến với công việc này. Dường như những vai trò mà tôi từng đảm trách trước đây chính là sự chuẩn bị cho công việc của tôi hiện nay. Đây là một phần định mệnh của tôi.

Ông đánh giá thế nào về bức tranh chung của startup Việt?

Điểm mạnh các bạn có, đầu tiên là cách tiếp cận và tinh thần khởi nghiệp. Tôi đã đi rất nhiều nước, nhưng chưa thấy cộng đồng và dân tộc nào có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ như tại VN.

Thứ hai, tại VN đang có một hệ sinh thái rất tốt cho cộng đồng startup. Các bạn có cơ sở hạ tầng phù hợp, khung pháp lý phù hợp, sự ủng hộ từ chính phủ, nhiều nhà đầu tư quan tâm, và quan trọng nhất là các bạn có những người trẻ rất tài giỏi với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

Trong thời đại của toàn cầu hóa, sự gần gũi quen thuộc là vô cùng quan trọng. Đó cũng là lý do mà tôi có mặt tại VN, nơi tôi được sinh ra. Tôi nghĩ rằng VN có thể bước vào kỷ nguyên kế tiếp, cuộc cách mạng thứ tư, bằng cách gìn giữ những di sản và văn hóa của dân tộc.

Ông đã có kế hoạch cụ thể ra sao để hỗ trợ nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp VN?

Tôi đã có cho mình một bản kế hoạch hoàn thiện. Tôi đã có các buổi nói chuyện với sinh viên, hy vọng sẽ khuyến khích đông đảo bạn trẻ khởi nghiệp. Một phần khác trong công việc của tôi là đưa khởi nghiệp VN tiếp cận toàn cầu. Chúng ta đã có một ví dụ là startup Logivan. Tôi đã kết nối họ với các startup tại Israel, nơi có cộng đồng khởi nghiệp rất mạnh mẽ.

Khi còn ở Berlin, tôi đã hỗ trợ đưa cộng đồng khởi nghiệp Đức đến với Thung lũng Silicon (Mỹ). Tôi hy vọng sẽ sớm biến điều này thành hiện thực với cộng đồng khởi nghiệp của VN.

TP.HCM đã có khu công nghệ cao Silicon City và Đà Nẵng cũng đang xúc tiến dự án tương tự. Theo ông thì “Thung lũng Silicon” liệu chỉ đơn thuần là một cái tên ở VN hay đây là một giấc mơ hoàn toàn đủ khả năng trở thành hiện thực?

Nếu chỉ là những bản sao của những gì xảy ra bên trong Thung lũng Silicon thì không đủ tốt. Các bạn phải mang đến văn hóa của riêng mình. Bạn phải có khả năng “phiên dịch” những mô hình bạn thấy ở Thung lũng Silicon sang môi trường kinh doanh thực tế ở VN. Chỉ như vậy các bạn mới thành công.

Tuy nhiên, các bạn vẫn cần có một biểu tượng, cần một cái tên, để tạo động lực cho mọi người. Khi tôi còn giữ chức bộ trưởng, mỗi năm chúng tôi gửi 20 nhà khởi nghiệp sang Thung lũng Silicon trong 3 tháng. Khi trở về, họ sẽ mang theo mạng lưới quan hệ, tri thức và kinh nghiệm.

Đó chính là một phần ý tưởng thúc đẩy việc thiết lập một dạng “Thung lũng Silicon” ở VN. Tuy nhiên, tôi cho rằng bản sắc riêng vẫn quan trọng hơn hình mẫu nằm phía bên kia Thái Bình Dương.

Ông đặt “hệ sinh thái khởi nghiệp” VN ở đâu trên bản đồ thế giới?

Tôi nghĩ VN nằm trong nhóm sẽ nổi lên trong tương lai. Nếu bạn xét kỹ đến yếu tố quyết tâm và đầu tư thực chất, tôi nghĩ VN đang có những bước đi thật sự vững chắc hơn nhiều nước, không chỉ ở yếu tố tinh thần khởi nghiệp.

VN có được sự hòa trộn cân bằng và vừa đúng cho một hệ sinh thái khởi nghiệp, có cơ sở hạ tầng rất thích hợp cho khởi nghiệp. Gần như mọi người dân ai cũng được kết nối bằng điện thoại. Các bạn có khung pháp lý thuận lợi. Sự ủng hộ của Chính phủ là điều rất đặc biệt, gần như độc nhất.

VN đã tiếp cận được đầu tư từ Mỹ, các nước khu vực Thái Bình Dương, nhưng vẫn chưa nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu…? 

Đó là lý do vì sao tôi đảm nhận vị trí này. Với vai trò chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm, tôi muốn đưa những nhà đầu tư từ khắp thế giới đến VN và đưa VN đến với cộng đồng quốc tế. Như các bạn biết, tôi đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phái đoàn Chính phủ tại Zurich (nhân  Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 ở Thụy Sĩ, tháng 1.2019). Tôi đã sắp xếp cuộc gặp với cộng đồng nhà đầu tư Thụy Sĩ. Họ ấn tượng rất lớn bởi phần trình bày của Thủ tướng và phái đoàn Chính phủ.

Ngoài công nghệ, ông nhìn thấy những lĩnh vực nào là cơ hội phát triển hàng đầu cho các doanh nghiệp VN? 

Để có một môi trường tốt cho kinh doanh, bạn cần phải có cơ sở hạ tầng mà cụ thể là năng lượng. Thứ hai, là thị trường kinh tế chia sẻ truyền thống như dịch vụ gọi xe. Thứ ba, tương tự thị trường tại Đức, chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực đang phát triển. Dân số VN rất trẻ, con người rồi sẽ già đi, khi đó dịch vụ chăm sóc sức khỏe trở thành một nhu cầu cấp thiết. Nếu bạn có tầm nhìn, bạn sẽ bắt đầu phát triển hệ thống y tế ngay từ bây giờ.

Ông nhắn gửi điều gì đến người trẻ VN khi đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp? 

Các bạn nên nghĩ đến việc tự khởi nghiệp và hãy đủ can đảm để biến điều đó thành hiện thực. Hãy tự tin vì các bạn cũng đang ở cùng “cấp độ chơi” với những người ở Thung lũng Silicon và những nơi khác vì các bạn cũng thông minh như họ. Lời khuyên của tôi là các bạn hãy giữ bản sắc của mình và vận dụng những mô hình kinh doanh khác nhau sao cho phù hợp với thị trường tại VN, khu vực Mekong hay cả ASEAN. Bởi vì nếu chúng ta quá giống họ, chúng ta sẽ thất bại. Nếu giữ được nét đặc trưng bằng văn hóa VN và châu Á, các bạn sẽ có cơ hội lớn hơn.

Nhiều người VN yêu mến ông, ông cảm thấy như thế nào? 

Tôi rất xúc động trước những tình cảm mà người dân VN dành cho mình khi đến đây với một cương vị khác. Tôi mong muốn làm được điều gì đó để đền đáp lại. Tôi quyết định quay lại để giúp tất cả mọi người có được những cơ hội như tôi đã có.

Ông có kế hoạch học tiếng Việt chứ? 

Đáng tiếc là khi còn đi học, tôi không giỏi lắm về ngoại giữ mà khá hơn trong các môn khoa học. Đó là lý do vì sao tôi trở thành một bác sĩ chứ không phải phiên dịch viên. Dẫu sao thì tôi sẽ cố hết mình. Như bây giờ tôi nói được từ “cảm ơn” rồi (cười).

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Lê Nam, Thúy Hằng

Báo Thanh Niên
21.04.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.