Một vài nhà bình luận cho rằng, di sản thế giới của UNESCO nói trên lẽ ra nên được tư nhân hóa và tách khỏi sự quản lý của nhà nước, vì chính phủ đã cho thấy họ không có khả năng bảo vệ nó.
Pompeii - Sự sụp đổ ô nhục là tiêu đề một bài báo của tờ La Stampa hôm 7.11, trong đó đăng tải những ý kiến về thảm họa văn hóa này.
Theo Reuters, ngôi nhà bằng đá nằm trên đường phố chính của thành phố có diện tích khoảng 80 mét vuông, sụp đổ ngay sau bình minh ngày thứ bảy khi Pompeii đóng cửa với khách du lịch.
Công trình có tên “Ngôi nhà của các võ sĩ giác đấu” được cho là nơi các võ sĩ tập hợp, luyện tập và sử dụng như một câu lạc bộ trước khi bước vào trận chiến tại một đấu trường gần đó của thành phố, vốn bị hủy hoại khi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79.
Được biết đến với tên Latin “Schola Armaturarum Juventus Pompeiani”, ngôi nhà không mở cửa cho khách tham quan, song nó có thể được nhìn thấy từ bên ngoài khi du khách đi dọc theo một trong những đường phố chính của thành phố cổ. Các bức tường của nó được trang trí bằng những bức bích họa có chủ đề về quân sự.
Có khoảng 2,5 triệu du khách viếng thăm Pompeii mỗi năm, biến nó thành một trong những địa điểm thu hút nổi tiếng nhất của đất nước hình chiếc ủng và nhiều người đã bị sốc với tình trạng đổ nát nơi này.
Các sử gia và người dân đã phàn nàn về tình trạng đổ nát và cần phải bảo quản thường xuyên của Pompeii trong nhiều năm trời.
|
Tờ La Repubblica gọi sự sụp đổ là “một scandal của thế giới” và quy kết trách nhiệm cho chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi vì đã bổ nhiệm những người không có khả năng để quản lý và cắt giảm ngân quỹ dành cho di sản văn hóa của Ý.
“Chắc chắn sẽ có những sự sụp đổ, sự hư hại và những thảm họa khác”, tờ báo viết.
“Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính phủ này không quan tâm đến văn hóa”, cựu Thị trưởng Rome Walter Veltroni, một cựu lãnh đạo của đảng Dân chủ đối lập, phát biểu.
Các quan chức cho biết, nguyên nhân của vụ sụp đổ là do trời mưa nặng hạt, song phần lớn những nhà bình luận nói rằng sự bỏ bê kéo dài mới là gốc rễ của vấn đề vì Pompeii nên được bảo vệ chu đáo hơn trước thời tiết, theo Reuters.
Il Sole 24 Ore, tờ báo kinh tế hàng đầu của Ý, khẳng định giải pháp duy nhất cho Pompeii là trao nó cho một nhà bảo trợ tư nhân như hãng bảo hiểm, công ty giải khát hoặc xe hơi, đổi lại các tổ chức này được phép đặt logo của mình ở lối vào thành phố.
“Vì nó thuộc về toàn bộ nhân loại, việc quản lý nên được lấy đi khỏi một nhà nước đã cho thấy họ không có khả năng bảo vệ nó”, Il Sole 24 Ore viết.
Hai năm trước, Chính phủ Ý đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Pompeii song nó chỉ kéo dài trong một năm.
Một tờ báo có tên Il Fatto Quotidiano đã giật hàng tít Những ngày cuối cùng của Pompeii, theo tiêu đề quyển sách được viết vào năm 1834 của Edward Bulwer-Lytton về cái chết của thành phố cổ.
Hai phần ba thành phố có diện tích 66 hécta, nơi ở của khoảng 13.000 người thời kỳ La Mã, đã được khám phá sau một cuộc khai quật nghiêm túc bắt đầu 260 năm trước.
Phần còn lại vẫn còn chôn vùi dưới đất và nhiều tòa nhà hiện đại đã được xây dựng bên trên, khiến việc khai quật trong tương lai gần như là bất khả thi.
Sơn Duân
Bình luận (0)