Giao thương tiểu ngạch qua đường mòn, lối tắt xuyên biên giới có vai trò khá quan trọng đối với kinh tế một số nước, tuy nhiên đi cùng với nó là tình trạng lao động di cư trái phép. Theo tờ The New York Times, điều này đang trở thành mối lo ngại lớn làm bùng phát dịch Covid-19, buộc các nước tăng cường đề phòng lây nhiễm xuyên biên giới.
Kiểm soát biên giới
Trong vài ngày qua, Thái Lan tăng cường tuần tra và lắp đặt thêm hàng rào dây thép gai tại các đường mòn xuyên biên giới với Myanmar, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng vượt biên trái phép. Hai nước có hơn 2.400 km biên giới trên bộ, với phần lớn là rừng rậm. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Myanmar ghi nhận hơn 103.000 ca mắc Covid-19, trong khi Thái Lan chỉ có hơn 4.100 ca và được xem là nước có chiến lược phòng chống đại dịch khá thành công. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan đang lo ngại sau khi ghi nhận ít nhất 19 ca mắc Covid-19 liên quan lao động di cư bất hợp pháp trong vài tuần qua và đang chạy đua xét nghiệm hàng trăm người có thể đã nhiễm.
Sự việc làm dấy lên lo ngại tại nhiều nước về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 từ những lao động di cư trái phép. Dòng người lao động di cư trái phép là một vấn đề lớn tại nhiều nước, từ nông dân Mexico di chuyển sang California (Mỹ) cho đến công nhân xây dựng Ethiopia sang các nước vùng Vịnh và người giúp việc Zimbabwe đến Nam Phi. Giờ đây, Thái Lan cho rằng lao động trái phép từ Myanmar lây lan Covid-19, còn Myanmar lại tố lao động trái phép từ Bangladesh làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, giới chức Myanmar cho hay ít nhất 50 lao động di cư trở về từ Thái Lan mắc Covid-19. Các chuyên gia lo ngại rằng lao động trái phép dễ lây bệnh do sống chen chúc và thường không khai báo khi mắc bệnh.
Tại Ả Rập Xê Út, vi rút gây Covid-19 lây lan tại các trung tâm tạm giữ lao động bất hợp pháp từ các nước châu Á và châu Phi. Trong số những người bị trục xuất về nước có cả bệnh nhân Covid-19. Lo ngại về Covid-19 lây lan xuyên biên giới cũng khiến giới chức Belarus hôm qua quyết định sẽ đóng cửa biên giới đường bộ 10 ngày sau khi công bố quyết định chính thức, theo Reuters.
Đại dịch tiếp tục phức tạp
Trong khi đó, đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước, như Cộng hòa Czech hôm qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 23.12. Nước này ghi nhận thêm 6.402 ca mắc Covid-19 trong ngày 9.12, con số cao nhất kể từ ngày 19.11. Cũng trong tình trạng đáng lo ngại, Mỹ ghi nhận thêm 3.124 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 9.12 - con số cao chưa từng có kể từ đầu dịch, theo CNN. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận thêm một kỷ lục buồn khác là có đến 106.688 người nhập viện vì Covid-19.
Tại châu Á, Nhật Bản hôm qua ghi nhận thêm 2.810 ca mắc Covid-19 và là con số cao nhất từ trước đến nay. Số bệnh nhân Covid-19 tại các khoa chăm sóc đặc biệt cũng tăng, với 555 bệnh nhân phải thở máy vào ngày 9.12, tăng thêm 19 bệnh nhân so với ngày hôm trước.
Liên quan vắc xin ngừa Covid-19, Canada hôm qua trở thành nước thứ 3 chứng nhận vắc xin của Pfizer/BioNTech, sau Anh và Bahrain. Anh dự kiến bắt đầu phân phối và tiêm ngừa vào tuần tới. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng Nam Mỹ khó có đủ vắc xin Covid-19 trong năm 2021, đồng thời khuyến cáo các nước nên chủng ngừa trước cho nhân viên y tế và người cao tuổi.
Tin tặc xâm nhập tài liệu về vắc xin
Hãng AFP ngày 10.12 đưa tin các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho hay các tài liệu của họ đã bị “truy cập trái phép” trên máy chủ của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA - trụ sở tại Hà Lan). Hai hãng cùng phát triển một vắc xin ngừa Covid-19 và đang xin EMA cấp phép. Hãng Pfizer cho biết chưa phát hiện dữ liệu cá nhân bị xâm nhập, trong khi BioNTech cho hay chưa có thành viên tham gia nghiên cứu nào bị nhận diện khi dữ liệu bị truy cập. Hai hãng khẳng định EMA đã cam đoan rằng vụ tấn công mạng không ảnh hưởng đến quy trình xem xét chứng nhận vắc xin, dự kiến diễn ra trong vài tuần tới. Hiện vụ việc đang được EMA phối hợp với cơ quan chức năng điều tra.
|
Bình luận (0)