Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 14.4 tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 3.5 tại đất nước 1,3 tỉ dân để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Chính phủ hôm 26.3 công bố gói viện trợ hơn 22 tỉ USD, nhưng hàng cứu trợ không đến được với tất cả người nghèo.
Gói viện trợ hơn 22 tỉ USD bao gồm các quy định phân phối nhu yếu phẩm miễn phí như lúa mì và gạo cho khoảng 813 triệu người trong vòng 3 tháng, cung cấp gas nấu ăn miễn phí cho phụ nữ ở nông thôn, hỗ trợ tài chính cho nông dân, công nhân xây dựng và người cao tuổi. Đây được cho là giải pháp giúp người nghèo sống sót trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng cách phân bổ thực phẩm không đồng đều nên ít nhất khoảng 100 triệu nghèo nhất ở Ấn Độ vẫn không được hỗ trợ, theo tờ South China Morning Post.
Chẳng hạn, ở bang Jharkhand, ông Nirel Lakda (42 tuổi) thất nghiệp hơn một tháng, nhưng vẫn chưa nhận được thực phẩm cứu trợ. Ngay cả trước khi có lệnh phong tỏa, ông Lakda, một người lao động phổ thông, chỉ có thể kiếm được 300 rupee (3,91 USD)/ngày. Giờ đây, người cha đơn thân với hai con gái nhỏ hết sạch tiền và thức ăn, phải cầu cạnh chị em để sống sót qua ngày.
Vào ngày 14.4, hàng ngàn lao động nhập cư đã xuống đường biểu tình ở thành phố Mumbai (bang Maharashtra), yêu cầu chính quyền hỗ trợ thực phẩm. Họ mắc kẹt tại các công trình xây dựng bị đình chỉ hoạt động vì lệnh phong tỏa và không thể về quê.
Cảnh sát buộc phải dùng vũ lực để giải tán đám đông người biểu tình. Sau đó, ông Uddhav Thackeray, thủ hiến bang Maharashtra, cho biết chính quyền sẽ cung cấp 3 bữa ăn mỗi ngày cho gần 600.000 lao động nhập cư.
Cùng ngày, chính phủ Ấn Độ tuyên bố lúa mì và gạo trợ cấp đã được phân phối cho 52 triệu hộ gia đình kể từ khi ban hành lệnh phong tỏa hôm 25.3, với 320 triệu gia đình nhận tiền mặt. Theo chỉ thị mới về lệnh phong tỏa của chính phủ Ấn Độ, nông nghiệp và một số lĩnh vực khác được phép khởi động lại nhưng phải đảm bảo biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, như bắt buộc đeo khẩu trang.
Điều khiến các nhà quan sát khó hiểu là những kho dự trữ lương thực của chính phủ được lấp đầy, nhưng thực phẩm viện trợ không đến được với tất cả người nghèo.
|
Bà Reetika Khera, chuyên gia kinh tế tại Học viện Quản lý Ahmedabad (Ấn Độ), dẫn lại dữ liệu từ Tập đoàn Thực phẩm Ấn Độ thuộc chính phủ cho thấy trong tháng 3, kho dự trữ có 87,2 triệu tấn gạo và lúa mì, nhưng chỉ có 3,52 triệu tấn được phân phối hỗ trợ người nghèo.
“Đây là nghịch lý khi kho dự trữ của chính phủ thì đong đầy trong lúc người dân chịu cảnh nghèo đói”, bà Khera nói.
Bình luận (0)