Trong bối cảnh Trung Quốc trang bị nhiều máy bay chiến đấu và tên lửa đối không ở Biển Đông, truyền thông Hồng Kông và Đài Loan mới đây tiết lộ về tham vọng của Bắc Kinh trong việc tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông.
Đã có tiền lệ
Ngày 31.5, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay Bắc Kinh đã lên kế hoạch thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ năm 2010. ADIZ được đề xuất bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, và cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cũng theo nguồn tin này, Trung Quốc đang chờ thời điểm công bố.
Ngày 1.6, nhận định với Thanh Niên về các thông tin trên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng: “Đã có tiền lệ để Trung Quốc thiết lập ADIZ ở khu vực Đông Nam Á. Trước đây, Trung Quốc từng tuyên bố ADIZ tại biển Hoa Đông. Việc tuyên bố ADIZ là biện pháp để Bắc Kinh hợp pháp hóa cái họ gọi là chủ quyền. Thời gian qua, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bằng bản đồ “đường lưỡi bò”, nên để củng cố cho tham vọng đó thì nước này có thể tuyên bố ADIZ để kiểm soát cả bầu trời chứ không chỉ trên mặt biển”.
Chuyên gia Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) thì cho rằng chắc chắn Bắc Kinh đã có kế hoạch ADIZ ở Biển Đông. “Nhưng tôi không nghĩ nó sắp xảy đến mà sẽ tiến hành từng bước trong vài năm tới”, ông Schuster nói.
Trận đồ vũ khí đối không của Bắc Kinh
Trong khi đó, một thực tế không thể phủ nhận là một lực lượng quân sự, với nhiều vũ khí đang được Trung Quốc triển khai ở Biển Đông có vai trò quan trọng cho kế hoạch xây dựng ADIZ tại đây.
Không chỉ có hệ thống radar, Trung Quốc triển khai nhiều loại máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát và tên lửa để xây dựng mạng lưới kiểm soát không phận ở Biển Đông. Cụ thể, giữa tháng 5, nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh ISI công bố hình chụp ngày 3.5 cho thấy các máy bay KJ-500, KQ-200 và Z-8 hiện diện ở bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Trong đó, KJ-500 là dòng máy bay quân sự cho phép Bắc Kinh dễ dàng nhận diện máy bay hoặc tàu chiến nổi từ xa.
Ngoài ra, thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng như nhà chứa máy bay, đường băng ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Đây là những bãi đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Với các hệ thống hạ tầng này, Bắc Kinh có thể điều động các loại máy bay tiêm kích J-11, J-15 đến 3 bãi đá trên. Bên cạnh đó, máy bay J-10 và J-11 cũng từng hiện diện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Khi triển khai các loại máy bay tiêm kích J-10, J-11 hay J-15 ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa thì Bắc Kinh có thể hình thành mạng lưới máy bay tiêm kích có tầm bay bao quát toàn bộ Biển Đông để kiểm soát ADIZ.
Bên cạnh lực lượng máy bay tiêm kích, ở đảo Phú Lâm và các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn còn có các hệ thống tên lửa HQ-9 do Bắc Kinh triển khai. Được xem là hệ thống tên lửa phòng không “S-300 phiên bản Trung Quốc”, HQ-9 có tầm bắn khoảng 250 km với tốc độ tối đa gấp 4 lần vận tốc âm thanh. Hệ thống HQ-9 cho phép theo dõi và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu, và có tầm bắn lên đến hơn 200 km.
Không những vậy, Trung Quốc thường xuyên điều động tàu sân bay mang theo chiến đấu cơ J-15 và nhiều tàu chiến nổi trang bị hệ thống tên lửa đối không HHQ-9. Vì thế, lực lượng tàu chiến này cũng có thể được Bắc Kinh khai thác để kiểm soát ADIZ.
Bình luận (0)