Trong vài ngày qua, súng tiểu liên và súng trường tấn công đã xuất hiện tại các điểm nóng biểu tình. Báo South China Morning Post hôm 20.11 dẫn các nguồn tin tiết lộ lính bắn tỉa và các thành viên của đơn vị tinh nhuệ Đặc cảnh Hồng Kông (SDU) cũng được triển khai.
Khi những phần tử quá khích bắt đầu dùng đến cung tên, chỉ huy khu vực Tây Cửu Long, Michael Cheuk, cho hay đây là vũ khí tấn công tầm xa và cảnh báo họ không nên thách thức cảnh sát. “Nếu chúng tôi buộc phải đáp trả, tôi tin rằng phương án duy nhất là sử dụng vũ khí sát thương”, ông cho biết.
|
Nhiều cảnh sát bắt đầu mang súng Colt AR-15 ở những địa điểm đụng độ dữ dội. Họ chỉ được khai hỏa loại súng trường này sau khi cấp trên cho phép, và được xem là phương án cuối cùng trong trường hợp bạo động mất kiểm soát hoặc có thể dẫn đến hậu quả thương vong nghiêm trọng.
AR-15 bắn đạn cỡ 5,56×45mm, có tầm bắn là 550m.
|
Một dòng vũ khí khác cũng đã được cảnh sát sử dụng là súng trường Sig Sauer 516. Đây là vũ khí của lực lượng Đặc cảnh Hồng Kông và Đơn vị Chống khủng bố Hồng Kông.
Các dòng súng tiểu liên cũng được triển khai, bao gồm Heckler & Koch MP5 và Sig Sauer MPX. Hai loại súng này sử dụng băng đạn có sức chứa tối đa 30 viên, tầm bắn 400m.
Lo lắng về tác động của hơi cay
Theo Đài phát thanh truyền hình Hồng Kông hôm 21.11, nghị viên Kenneth Leung đang gây áp lực buộc cảnh sát tiết lộ thành phần của hơi cay mà họ đang sử dụng để đối phó người biểu tình, sau khi nhiều người bày tỏ quan ngại về tác động của hơi cay đối với sức khỏe.
Một ngày trước đó, bà Sophia Chan, người đứng đầu cơ quan Y tế Hồng Kông, từ chối công bố thông tin trên, với lý do cần bảo mật để phục vụ cho các chiến dịch của cảnh sát.
Tuy nhiên, bà cho biết không có chứng cứ để kết luận việc sử dụng hơi cay có thể tạo ra khí dioxin hoặc gây ngộ độc dioxin. Dioxin được xem là một tác nhân gây ung thư.
Nghị viên Leung cho rằng bà Chan tìm cách che đậy thông tin này trước công chúng. Ông cũng đề nghị chính quyền Hồng Kông phổ biến các chỉ dẫn liên quan đến công tác làm sạch dư lượng hơi cay còn tồn đọng trong môi trường, đặc biệt trong quá trình xử lý thực phẩm.
Cảnh sát Hồng Kông thường xuyên dùng hơi cay để giải tán đám đông quá khích tại nhiều địa điểm, trong đó có cả gần chợ trái cây Du Ma Địa.“Trong 5 tháng qua, có hơn 10.000 viên đạn hơi cay đã được sử dụng, và người dân Hồng Kông có quyền được biết thành phần hóa học làm nên đạn hơi cay”, nghị viên Leung kết luận.
Bình luận (0)