Như Thanh Niên đã thông tin, phái đoàn đại diện thường trực của Nhật Bản tại LHQ ngày 19.1 gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông. Công hàm nêu rõ với tư cách là quốc gia tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), Nhật Bản bác bỏ quan điểm của Trung Quốc vốn cho rằng “việc Bắc Kinh vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và pháp luật quốc tế”.
Đảm bảo tự do hàng hải
“UNCLOS đặt ra một cách cụ thể và đầy đủ các điều kiện để áp dụng các đường cơ sở, tuy nhiên Trung Quốc không thể dẫn ra được các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở trên. Không hề có một cơ sở nào để một quốc gia thành viên biện hộ cho việc áp dụng những đường cơ sở không thỏa mãn các điều kiện UNCLOS nêu ra”, theo công hàm của Nhật Bản.
Trung Quốc cấm vận nhiều cựu quan chức dưới thời ông TrumpBộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua 21.1 tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận đối với 28 cựu quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo vì họ đưa ra những chính sách “điên rồ” chống lại lợi ích của Trung Quốc, theo Reuters. Ngoài ông Pompeo, danh sách cấm vận của Trung Quốc bao gồm cựu Cố vấn thương mại Peter Navarro, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien và cựu Bộ trưởng Y tế Alex Azar.
Theo lệnh cấm vận, 28 cựu quan chức Mỹ cùng người thân gia đình sẽ bị cấm nhập cảnh Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau. Những công ty, tổ chức liên quan đến 28 người này cũng bị cấm làm ăn với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích các cựu quan chức này có những hành động, chính sách “điên rồ” nhằm can dự vấn đề nội bộ, làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hai nước.
Bắc Kinh có động thái này khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20.1 tuyên thệ nhậm chức. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Emily Horne chỉ trích lệnh cấm vận của Trung Quốc là vô ích. Trước đó, trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, chính phủ ông Trump đẩy mạnh chính sách cứng rắn chống lại Trung Quốc trong nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, an ninh, công nghệ, nguồn gốc của vi rút gây Covid-19 và nhân quyền. Phúc Duy
|
“Điều này giúp Nhật Bản đảm bảo quyền lợi về tự do hàng hải ở Biển Đông”, GS Sato nói và phân tích rằng sau một thời gian thì Nhật Bản mới tiến hành đệ trình khiếu nại lên LHQ vì lâu nay nước này lo ngại Trung Quốc sẽ “ăn miếng trả miếng” bằng cách gây rối xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp ở biển Hoa Đông.
“Nhưng những năm gần đây, việc Trung Quốc ngày càng gia tăng triển khai tàu hải cảnh xâm nhập các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản nhận ra rằng các hành vi gây rối của Bắc Kinh ở Biển Đông lẫn biển Hoa Đông đều xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc và ý đồ bành trướng”, GS Sato nhận xét.
Ngăn chặn hành vi của Bắc Kinh
Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá động thái trên của Nhật Bản nằm trong nỗ lực nhằm đảm bảo rằng 2 vùng biển liền kề nhau là Biển Đông và biển Hoa Đông không nằm dưới kiểm soát ngày càng hung hăng của Trung Quốc.
Cùng quan điểm khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Tokyo có động thái trên vì lo ngại các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, vì vùng biển này có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản cũng như tổng thể an ninh của khu vực châu Á. Nhật Bản đã phát triển thịnh vượng dựa trên hệ thống quốc tế hiện tại, nên đang góp phần vào nỗ lực chung của châu Á để ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc bành trướng hơn nữa ở Biển Đông. Việc khiếu nại Bắc Kinh lên LHQ nằm trong nỗ lực vừa nêu”.
Tăng cường phối hợp quốc tế
Cũng theo ông Schuster thì: “Nhật Bản trở thành quốc gia mới nhất ở khu vực sau VN, Malaysia, Indonesia và Úc gửi văn bản lên LHQ để phản ứng Trung Quốc về Biển Đông”.
Cùng quan điểm, GS Sato đánh giá: “Việc Nhật Bản đứng vào liên minh pháp lý quốc tế làm tăng thêm sức nặng cho phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Tương tự, PGS Nagy nhận xét: “Thông qua việc khiếu nại lên LHQ, Nhật Bản muốn thể hiện cam kết với các thể chế quốc tế, làm rõ mức độ cũng như cách thức Trung Quốc đang né tránh pháp luật trong ý đồ bá quyền ở các tuyến hàng hải quan trọng. Mục tiêu then chốt của việc khiếu nại là tạo ra sự đồng thuận quốc tế để hạn chế các hành vi của Bắc Kinh vốn nhằm phục vụ tham vọng thống trị các tuyến hàng hải ở Thái Bình Dương”.
Đánh giá hiệu quả của việc phối hợp này trong tương lai, ông Schuster khuyến nghị: “Bước tiến triển tiếp theo cho Biển Đông sẽ phụ thuộc vào phản ứng bởi Trung Quốc và các nước trong khu vực. Sẽ có ý nghĩa mạnh mẽ hơn nếu các thành viên ASEAN và các quốc gia khác cùng tham gia đẩy mạnh các biện pháp để Trung Quốc phải trả giá về kinh tế và ngoại giao vì những hành vi hung hăng ở Biển Đông. Do đó, cũng cần phải có một hệ thống thương mại kết nối Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu phối hợp xây dựng các chọn lựa thay thế để tránh sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc thì các biện pháp thương mại mới phát huy hiệu quả. Cũng từ cách thức này, còn cần phải có sự phối hợp để chuyển dần đầu tư khỏi Trung Quốc”.
Bình luận (0)