Chiếc trực thăng Ka-27 của Nga cất cánh từ một tàu khu trục của nước này và liên tục bay gần đảo Taisho và Kubashima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, theo đài NHK ngày 23.11.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã điều một máy bay chiến đấu đến theo dõi, dù chiếc trực thăng Nga bay cách không phận Nhật Bản khoảng 10 km.
Đây là lần đầu tiên trực thăng tuần tra của Nga bị phát hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, phía quân đội Nhật Bản cho biết đang điều tra mục đích của hành động này. Nhật Bản hiện kiểm soát quần đảo này nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, Nhật Bản gọi quần đảo này là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Cũng trong ngày 22.11, trang Boyevaya Vakhta của Hạm đội Thái Bình Dương Nga đưa tin nước này đã triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm Bal và Bastion tại quần đảo Nam Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản (Nhật Bản gọi quần đảo này là Vùng lãnh thổ phương bắc), theo AP.
tin liên quan
Nhật phát hiện tàu quân sự Trung Quốc, Nga gần Senkaku/Điếu NgưNhật Bản triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối sau khi một tàu hộ tống Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước. Ba tàu quân sự Nga cũng được phát hiện cùng thời điểm.
Hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển Bastion được trang bị các tên lửa hành trình siêu thanh P-800, có khả năng tiêu diệt tàu chiến với nhiều kích cỡ. Mỗi tổ hợp tên lửa này có thể trang bị đến 36 quả tên lửa với khả năng bao quát khu vực bờ biển dài hơn 600 km, theo Pravda.
Trong khi đó, hệ thống tên lửa Bal có khả năng phá huỷ các mục tiêu trên bộ lẫn trên biển ở khoảng cách 130 km. Hệ thống này sử dụng tên lửa chống hạm Kh-35 (Uran) có thể diệt tàu chiến có lượng choán nước cỡ 5.000 tấn.
Động thái này diễn ra ngay trước khi Tổng thống Vladimir Putin có chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 12.2016. Các chuyên gia cho rằng Nga đã làm rõ ý định tăng cường phòng thủ cho các đảo tại Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc ngay trước chuyến thăm của ông Putin, theo NHK. Tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo này là nguyên nhân khiến Nga và Nhật Bản không thể ký hiệp định hoà bình sau Thế chiến 2.
Bình luận (0)