Điểm đến số một – sao Hỏa
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ gửi tàu thám hiểm bề mặt mới nhất có tên Mars 2020, đến hành tinh đỏ vào tháng 7 hoặc đầu tháng 8, tùy vào điều kiện thời tiết lúc phóng tại Mũi Canaveral ở bang Florida.
Một khi đáp xuống Hõm chảo Jezero vào tháng 2.2021, Mars 2020 sẽ cùng với tàu thăm dò Curiosity lên đường thực hiện sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.
|
Tuy nhiên, không như Curiosity, vốn được giao nhiệm vụ thu thập những dấu hiệu cho thấy hành tinh này liệu đã từng có sự sống sinh sôi trong quá khứ, Mars 2020 có trọng trách tìm kiếm chứng cứ trực tiếp về sự sống dưới dạng vi sinh vật thời cổ đại.
Để làm được điều đó, tàu thăm dò này sẽ di chuyển trên quãng đường tối đa 50 km trong ít nhất 1 năm trên sao Hỏa (tương đương khoảng 687 ngày trên Trái đất).
Các tàu thám hiểm NASA nhiều khả năng sẽ có bạn đồng hành. Cơ quan không gian châu Âu (ESA) hợp tác với Roscosmos của Nga triển khai sứ mệnh ExoMars, theo đó sẽ phóng tàu thăm dò chung đến sao Hỏa vào hè năm nay.
Dự kiến tàu thăm dò Rosalind Franklin của sứ mệnh trên sẽ đến sao Hỏa vào tháng 3.2021. Các nhà lên kế hoạch hy vọng nó có thể di chuyển được vài km trong lúc trên bề mặt hành tinh đỏ.
|
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng vào cuộc. Sứ mệnh sao Hỏa của UAE, được đặt tên là Hy vọng, dự kiến sẽ phóng tàu du hành vào tháng 7 và nghiên cứu khí quyển sao Hỏa từ trên quỹ đạo.
Cùng lúc đó, Trung Quốc thử phóng bộ ba tàu vũ trụ, bao gồm tàu quỹ đạo, tàu đáp và tàu thăm dò, đến hành tinh thứ tư tính từ mặt trời, theo sứ mệnh Huoxing-1.
Chuyến bay đầu tiên của Orion quanh mặt trăng
Vào cuối năm 2020, tên lửa đẩy mang tên Hệ thống Phóng Không gian (SLS) của NASA dự kiến sẽ rời khỏi bãi phóng tại Trung tâm không gian Kennedy, đưa tàu Orion lên đường trong chuyến hành trình đầu tiên xung quanh mặt trăng.
Sứ mệnh kéo dài 3 tuần, tên Artemis I, là bước đi đầu tiên của NASA trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa người phụ nữ đầu tiên lên bề mặt vệ tinh tự nhiên của địa cầu vào năm 2024.
|
Chuyến bay thử không người lái sẽ đưa tàu Orion đến vị trí cách Trái đất khoảng 450.600 km, cho phép các kỹ sư NASA kiểm tra và đảm bảo các hệ thống của tên lửa đẩy và tàu du hành đều làm việc trôi chảy.
Cùng có mặt trong cuộc hành trình là 13 tàu du hành mini mang tên CubeSat, mang theo nhiệm vụ khác nhau. Chẳng hạn, CubeSat tên Tàu thám hiểm Tiểu hành tinh Cận Trái đất (NEA Scout) sẽ ghi lại hình ảnh thiên thể nhỏ nhất từng được con người thám hiểm: một tiểu hành tinh có bề ngang chỉ vài mét.
NEA Scout cũng mang theo cánh buồm chạy bằng năng lượng mặt trời có diện tích lớn nhất từ trước đến nay để thử nghiệm trên không gian. Khi bung ra, cánh buồm có diện tích lên đến 30 m2.
Các CubeSat khác bao gồm CuSP, trạm thời tiết vũ trụ có kích thước chỉ nhỉnh hơn hộp ngũ cốc, và Lunar Flashlight, với nhiệm vụ tìm kiếm băng trên mặt trăng.
Mang tiểu hành tinh về Trái đất
2020 sẽ là năm thắng lớn cho các sứ mệnh mang mẫu vật tiểu hành tinh về địa cầu. Sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA đã nghiên cứu tiểu hành tinh Bennu từ cuối năm 2018. Đến tháng 8 năm nay, nó sẽ tìm cách tiếp cận tiểu hành tinh và trong vòng 5 giây phải lấy được mẫu vật trên bề mặt mục tiêu. Khi quay về Trái đất vào năm 2023, OSIRIS-REx sẽ là sứ mệnh đầu tiên của Mỹ mang về địa cầu mẫu vật từ tiểu hành tinh.
|
Tuy nhiên, OSIRIS-REx lại không phải là sứ mệnh đầu tiên trên thế giới làm được điều đó. Tàu du hành Hayabusa của Nhật Bản đã gửi về nhà mẫu bụi lấy từ tiểu hành tinh Itokawa vào năm 2010, dù một loạt các trục trặc kỹ thuật sau đó khiến mẫu vật từ nặng vài gram bị hao hụt xuống còn chưa đầy 1 milligram.
Một thập niên sau, Hayabusa2 lên đường cho mục tiêu lớn hơn. Con tàu vừa rời khỏi tiểu hành tinh Ryugu hồi tháng 11.2019 sau khi cho nổ tung bề mặt tiểu hành tinh và khoét một hõm chảo nhỏ để có thể lấy thêm nhiều mẫu vật hơn. Nếu mọi việc diễn ra trôi chảy, Hayabusa2 sẽ quay về Trái đất vào tháng 12.2020.
|
Dù các tiểu hành tinh trên có kích thước không quá lớn, việc nghiên cứu chúng có thể giúp giới khoa học khám phá một số bí ẩn lớn về hệ mặt trời của chúng ta. Những thiên thể này là tàn tích còn sót lại từ thời hệ mặt trời khai sinh cách đây khoảng 4,6 tỉ năm.
Vì vậy, chúng có thể nắm giữ những manh mối về nguồn gốc của chính chúng ta, dựa trên thực tế các tiểu hành tinh có lẽ đã mang đến Trái đất một số hóa chất làm tiền đề cần thiết cho sự sống sinh sôi.
Bình luận (0)