Nobel Hòa bình vinh danh Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc

09/10/2020 16:25 GMT+7

Giải Nobel Hòa bình năm 2020 được trao cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên Hiệp Quốc.

Ngày 9.10, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen thông báo giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc.
Theo bà Reiss-Andersen, WFP đã có nhiều nỗ lực trong việc đối phó nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực trên thế giới, hỗ trợ 97 triệu người tại 88 quốc gia hằng năm.
“WFP cũng tích cực tham gia ngăn ngừa việc lợi dụng nạn đói làm vũ khí trong chiến tranh và xung đột”, theo bà Reiss-Andersen.
WFP ước tính thế giới có khoảng 690 triệu người “phải đi ngủ với cái bao tử trống”. Nhiều chuyên gia cho rằng dù đạt tiến triển trong 3 thập niên qua, mục tiêu xóa đói của LHQ vào năm 2030 sẽ khó đạt được nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, trong đó phụ nữ và trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất.
Theo bà Reiss-Andersen, năm ngoái có 135 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn đói, con số cao nhất trong nhiều năm và chủ yếu do chiến tranh, xung đột vũ trang. “Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Hòa bình Na Uy mong rằng mọi cặp mắt trên thế giới nhìn về hàng triệu người đang chịu đựng hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nạn đói”, bà chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 còn góp phần làm trầm trọng thêm nạn đói, đẩy nhiều người đến nguy cơ chết đói tại nhiều nước vốn đang xảy ra xung đột vũ trang như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso. Trong đại dịch Covid-19, WFP được ghi nhận về việc gia tăng các nỗ lực cứu trợ. “Cho đến ngày chúng ta có vắc xin y học, thực phẩm là vắc xin tốt nhất đối với tình trạng hỗn loạn”, bà Reiss-Andersen nhắc lại phát biểu từ WFP. Qua việc trao giải, Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhấn mạnh rằng việc cứu trợ lương thực còn giúp đem lại triển vọng hòa bình và ổn định trên thế giới.
Lễ công bố giải Nobel Hòa bình năm 2020 được tổ chức tại Viện Nobel ở Oslo, với đại dịch Covid-19 khiến số lượng phóng viên tham dự bị giới hạn và giảm đáng kể so với năm ngoái.
Năm nay, có 318 ứng viên được cân nhắc, trong đó có 211 cá nhân và 107 tổ chức. Tuy nhiên, theo truyền thống, danh sách này được giữ bí mật ít nhất trong 50 năm, khiến việc tiên đoán trở nên khó khăn.
Giải Nobel gồm huy chương vàng, một chứng chỉ và số tiền 10 triệu krona Thụy Điển (26,2 tỉ đồng) dự kiến sẽ được trao vào ngày 10.12, cũng là kỷ niệm ngày mất của nhà sáng lập giải người Thụy Điển là ông Alfred Nobel.
Trước đó, Giải Nobel Văn chương năm 2020 được trao cho nhà thơ Mỹ Louise Glück với các tác phẩm mang đặc trưng: chủ đề về cuộc sống gia đình đơn sơ nhưng mang màu sắc vui tươi và sáng tạo tinh tế.
Nobel Hóa học năm 2020 đã về tay nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Doudna (Mỹ) vì đã khám phá một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực biến đổi gien: cây kéo sinh học CRISPR /Cas9.
Nobel Vật lý năm 2020 được trao cho bộ ba nhà khoa học Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) vì đã thúc đẩy sự hiểu biết của nhân loại về trong những hiện tượng bí ẩn của vũ trụ là hố đen.
Còn Nobel Y sinh năm 2020 đã về tay bộ ba nhà khoa học Harvey Alter và Charles Rice (người Mỹ), và Michael Houghton (người Anh) cho khám phá về viêm gan siêu vi C, bắt nguồn từ một dạng virus lây qua đường máu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.