Các ngoại trưởng OIC ngày 19.1 đã tham dự cuộc họp bất thường ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) để thảo luận về các cuộc trấn áp ở tiểu bang Rakhine (miền bắc Myanmar) khiến hàng chục ngàn người Hồi giáo Rohingya phải trốn chạy.
"Họ (chính phủ Myanmar) không thể bỏ qua tiếng nói của 1,6 tỉ người", Ngoại trưởng Malaysia, ông Anifah Aman phát biểu sau cuộc họp của OIC, hàm ý nhắc đến dân số của 57 nước thành viên OIC, theo Kyodo News ngày 19.1.
Tổng thư ký OIC, ông Yousef al-Othaimeen kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar kiềm chế với dân thường, nếu không sẽ phải đối đầu với sự giận dữ từ các nhóm bị áp bức và cả người Hồi giáo trên thế giới.
Trong thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp bất thường trên, OIC kêu gọi Myanmar chấm dứt hành động "bạo lực và phân biệt đối xử" chống lại người Hồi giáo Rohingya. "Myanmar cần đảm bảo rằng các lực lượng an ninh hành động phù hợp với luật pháp, và tất cả những ai thực hiện hành vi bạo lực phải chịu trách nhiệm", AFP dẫn tuyên bố của OIC.
tin liên quan
Myanmar kêu gọi ngừng viện trợ cho người RohingyaChính phủ Myanmar thừa nhận đã yêu cầu Malaysia ngăn chặn các tổ chức phi chính phủ ở nước này gửi một “đội tàu viện trợ” nhằm giúp một “cộng đồng cụ thể” ở bang Rakhine, ý đề cập những người Rohingya thiểu số theo đạo Hồi.
Đề xuất của OIC tương tự đề nghị của ASEAN được đưa ra trong một cuộc họp đặc biệt của các ngoại trưởng hiệp hội này tại thủ đô Naypyidaw (Myanmar) hồi tháng 12.2016, cũng bàn về vấn đề người Hồi giáo Rohingya.
OIC sẽ làm việc với Liên Hiệp Quốc và các nước ASEAN để tổ chức những cuộc đối thoại liên tôn giáo ở Myanmar - quốc gia có phần lớn dân số theo Phật giáo.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cảnh báo rằng nếu xung đột không được giải quyết, Đông Nam Á sẽ không chỉ nhìn thấy dòng người tị nạn mà còn có nguy cơ tạo ra mặt trận cho các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khai thác và xâm nhập.
Tại Myanmar, có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Rohingya sinh sống chủ yếu ở bang Rakhine. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết có khoảng 65.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh từ tháng 11.2016 đến đầu tháng 1.2017 để tránh sự trấn áp của quân đội Myanmar, theo Kyodo News.
Bình luận (0)