Ông Biden xóa di sản thời ông Trump ngay ngày nhậm chức
18/01/2021 08:00 GMT+7
Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden sẽ ký một loạt sắc lệnh như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử nhằm xóa bỏ di sản chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Tự động phát
Trong 10 ngày đầu tiên kể từ lễ nhậm chức tổng thống Mỹ (20.1), ông Biden sẽ ký hơn một chục sắc lệnh hành pháp về nhiều vấn đề như nhà ở, khoản vay cho sinh viên, biến đổi khí hậu và nhập cư, theo AFP.
“Ông Biden sẽ nhanh chóng hành động để đảo ngược những thiệt hại nặng nề nhất của chính phủ ông Trump, cùng lúc đưa đất nước của chúng ta tiến lên”, cố vấn hàng đầu - Chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, ông Ron Klain cho biết trong bản ghi nhớ gửi các phóng viên.
Đảo ngược chính sách
Các sắc lệnh sẽ được ký vào ngày 20.1 bao gồm Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đảo ngược lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia Hồi giáo, gia hạn lệnh tạm dừng thanh toán khoản vay cho sinh viên, tạm ngừng việc thu hồi nhà để thế nợ đối với người dân gặp khó khăn tài chính vì đại dịch Covid-19, đồng thời bắt buộc đeo khẩu trang khi đi lại giữa các bang và trong tòa nhà liên bang.
Mỹ rầm rộ điều động Vệ binh quốc giaReuters hôm qua đưa tin hàng loạt tiểu bang tại Mỹ đã điều động vệ binh quốc gia nhằm đảm bảo an ninh tại các tòa nhà nghị viện bang, sau khi FBI cảnh báo về nguy cơ xảy ra biểu tình vũ trang vào ngày 20.1, khi ông Biden nhậm chức. Trong số các bang điều động Vệ binh quốc gia có những nơi từng là bang chiến địa trong cuộc đua giữa ông Biden và ông Trump như Michigan, Virginia, Wisconsin và Pennsylvania.
Trong khi nhiều bang dựng rào chắn quanh tòa nhà nghị viện, các bang Texas và Kentucky thậm chí đã bắt đầu cấm người dân ra vào. Trung tâm thủ đô Washington D.C gần như không một bóng người, với nhiều tuyến đường gần Đồi Capitol bị phong tỏa và Vệ binh quốc gia đứng gác khắp nơi tại trung tâm thành phố.
Trả lời phỏng vấn CNN ngày 16.1, ông Oren Segal, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan thuộc Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL), cảnh báo các phần tử cực đoan âm mưu gây bạo loạn trong những ngày trước lễ nhậm chức của ông Biden. Theo ông, vụ người ủng hộ Tổng thống Trump náo loạn Điện Capitol có tác động lớn đối với những người mang tư tưởng cực đoan, thậm chí trở thành chất xúc tác thúc đẩy những hoạt động chống chính phủ.
Trong một diễn biến khác, cơ quan chức năng tại Washington đã bắt giữ ông Wesley Allen Beeler vào tối 15.1 (giờ địa phương) khi mang vũ khí và giấy thông hành giả để tiếp cận khu vực hạn chế ở thủ đô, nơi sẽ diễn ra lễ nhậm chức của ông Biden. Lực lượng chức năng phát hiện ông Beeler mang theo một khẩu súng đã nạp đạn và hơn 500 viên đạn, và không có giấy phép.
Khánh An
|
Hầu hết các sắc lệnh là nhằm đảo ngược những chính sách chính quyền Trump theo đuổi mà không cần quốc hội thông qua. “Ngoài việc cắt giảm thuế năm 2017 và bổ nhiệm thẩm phán, phần lớn chương trình nghị sự của ông Trump được thực hiện không thông qua quốc hội. Do đó, ông Biden có thể đảo ngược di sản của ông Trump bằng sắc lệnh hành pháp”, Giáo sư Chris Edelson tại Đại học Mỹ nhận xét.
Tuy nhiên, bản ghi nhớ của ông Klain không nhắc đến việc tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vốn là điều ông Biden hứa sẽ thực hiện trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng. Hồi giữa năm 2020, Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi tổ chức này với cáo buộc WHO là “con rối của Trung Quốc”.
Trước đây, ông Trump cũng như các tổng thống mới kế nhiệm người của đảng khác thường nhanh chóng ký sắc lệnh hành pháp. Tuy nhiên, các tòa án phản đối và thậm chí bác bỏ nhiều sắc lệnh của ông Trump, theo AP. “Điều đó cho thấy tổng thống không phải là một vị vua và việc loại bỏ quốc hội ra khỏi những quyết sách sẽ làm suy yếu nền dân chủ”, chuyên gia Edelson lưu ý. Dù vậy, ông Klain khẳng định các sắc lệnh hành pháp của ông Biden đã được soạn thảo sau khi cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên cơ sở pháp lý.
Tờ The New York Times thì đặt vấn đề: “Ông Klain đã không cung cấp thông tin chi tiết về các sắc lệnh nên hiện không rõ liệu chúng chỉ là những tuyên bố về ý định giống như ông Trump trước đây hay không”.
Rào cản tại quốc hội
Ngoài sắc lệnh hành pháp, ông Biden sẽ nỗ lực thúc đẩy quốc hội sớm thông qua dự luật do ông đề ra. “Để đạt được đầy đủ các mục tiêu, chúng tôi cần phải có quốc hội, chẳng hạn dự luật cứu trợ Covid-19 mà ông Biden đã công bố hôm 14.1”, theo ông Klain. Cụ thể, Tổng thống tân cử Biden công bố đề xuất gói kích thích kinh tế 1,9 ngàn tỉ USD nhằm vực dậy nền kinh tế và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19.
AFP dẫn nguồn tin tiết lộ các nghị sĩ đảng Cộng hòa ngay lập tức phản đối dự luật này. Do đó, dự luật cứu trợ Covid-19 của ông Biden khó có thể nhanh chóng được quốc hội thông qua trong bối cảnh đảng Dân chủ nắm thế đa số mong manh ở Hạ viện và Thượng viện, theo các chuyên gia chính sách.
Ngoài ra, ông Biden sẽ đề xuất một dự luật cải cách nhập cư toàn diện cho các nhà lập pháp vào ngày nhậm chức, mở đường cho 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ trở thành công dân Mỹ. “Đây là sự thay đổi lớn mang tính lịch sử so với chương trình nghị sự chống người nhập cư của ông Trump”, bà Marielena Hincapie, Giám đốc Trung tâm luật nhập cư quốc gia (Mỹ), nói với Đài KTLA.
Tuy nhiên, bà Hincapie cùng nhiều nhà hoạt động xã hội không thể quên được cựu Tổng thống Barack Obama hứa hẹn cải cách chính sách nhập cư trong 2 nhiệm kỳ nhưng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, đảng Dân chủ và Cộng hòa lâu nay luôn bất đồng quan điểm về vấn đề nhập cư.
“Vào thời điểm này, ông Biden sẽ phải đối diện nhiều thách thức tại quốc hội vì sự khác biệt về quan điểm giữa Dân chủ và Cộng hòa còn rất lớn. Tuy nhiên, từng là phó tổng thống và thượng nghị sĩ, ông Biden hiểu rõ cách làm việc với mỗi bên”, cựu hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Eric Cantor nói với tờ The New York Times.
Bình luận (0)