Ông Rainsy, người đang sống lưu vong ở Pháp để tránh bị tòa án Campuchia xét xử, nói ông sẽ “chấp nhận hy sinh tự do của mình vì người Campuchia” và sẵn sàng về nước đối mặt với tòa án, nếu ông Kem Sokha, cựu lãnh đạo của Cứu nguy dân tộc (CNRP) không được trả tự do.
Trước đó, vào ngày 4.11, ông Rainsy cho rằng trước áp lực quốc tế, Phnom Penh sẽ phải trả tự do cho ông Sokha, người mà chính quyền Campuchia nói là được “tại ngoại” trong khi chờ ra tòa xét xử tội phản quốc, nhưng phe đối lập thì cho là ông đang bị “quản thúc tại gia”.
Đến ngày 8.11, Thủ tướng Hun Sen “cười nhạo” phát biểu của ông Rainsy và cho rằng chuyện trả tự do cho ông Sokha chỉ xảy ra khi “ngựa mọc sừng”, theo Phnom Penh Post.
Bị "chọc giận, ông Rainsy, hiện lãnh đạo Phong trào Cứu nguy dân tộc (CNRM), tổ chức được thành lập bên ngoài Campuchia, liền ra lời thách đố thủ tướng Campuchia ngay ngày hôm sau.
“Tôi tin rằng dưới áp lực của quốc tế, ông Hun Sen sẽ buộc phải thả ông Kem Sokha trong thời gian từ 29.12 năm 2018 đến 3.3 năm 2019. Nếu thua cuộc, ông Hun Sen sẽ phải từ chức. Còn nếu tôi thua, tôi chấp nhận ngồi chung phòng giam với ông Kem Sokha”, ông Rainsy viết trên tài khoản Facebook của mình.
Ngay sau tuyên bố của ông Rainsy, ông Hun Sen nói rằng mình chấp nhận lời thách đố của ông Rainsy.
“Tôi quyết định cá cược với ông Rainsy vì bị đẩy vào thế kẹt, không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lời thách đố đó, nó sẽ kết liễu sự nghiệp chính trị của ông Sokha. Nếu không chấp nhận, mọi người sẽ bảo tôi hèn nhát”, ông Hun Sen giải thích với trang tin Fresh News trong một phỏng vấn hồi cuối tuần qua.
|
Chính ông Sokha không thể giữ im lặng trước những lời thách đố của hai đối thủ chính trị, với nhận xét rằng bất kể đó là gì thì cũng đang gây bất lợi cho ông và Campuchia.
“Sokha không tự do, nhưng ông ấy biết ai đang cố làm gì đó chống lại ông ấy và quốc gia”, cựu lãnh đạo CNRP, đảng đã bị tòa tuyên giải tán hồi năm 2017, viết trên tài khoản Facebook cá nhân. Trong khi nhóm luật sư của ông cũng lo ngại, vì cho rằng những thách thức đó sẽ “tác động đến phán quyết của tòa”.
Bình luận (0)