(TNO) Lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 bày tỏ thái độ cứng rắn với lệnh trừng phạt Nga, tuy nhiên phản ứng từ Điện Kremlin khá dửng dưng.
Lãnh đạo các nước G7 thống nhất lệnh trừng phạt kéo dài với Nga - Ảnh: Reuters
|
Ông Putin hứng nhiều chỉ trích
Hội nghị G7 kết thúc với vấn đề xung đột tại Ukraine được chốt lại. Ba vị nguyên thủ gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande nhất trí kéo dài lệnh trừng phạt Nga đến khi nào thỏa thuận ngừng bắn Minsk được tôn trọng, tức chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine.
Đây là lần thứ hai liên tiếp ông Putin vắng mặt tại G7. Tuy nhiên, có vẻ thái độ của nhóm G7 với riêng ông Putin còn tệ hơn so với năm ngoái, thời điểm xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga.
Tổng thống Mỹ Obama nói thẳng rằng chính ông Putin là người phải chịu trách nhiệm về những hậu quả kinh tế cho người dân Nga.
Sau ông Obama, Thủ tướng Canada Stephen Harper là người tích cực chống đối ông Putin nhất. Ngược lại với quan điểm của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, ông Harper hôm 7.6 cho rằng sẽ "không có cửa cho ông Putin" quay lại nhóm G7. Thậm chí, ông Harper khẳng định Nga sẽ không bao giờ quay lại G7 một khi ông Putin còn nắm quyền.
Ông Putin tự tin sẽ giải quyết được vấn đề?
Khi những thông tin đầu tiên về việc kéo dài lệnh cấm vận Nga được đưa ra, phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov cho biết phía Nga "không hề bất ngờ" về điều này, theo The Moscow Times.
Ông Putin không có phản ứng nào sau hàng loạt chỉ trích và lệnh cấm vận thống nhất từ cuộc họp của G7 - Ảnh: Reuters
|
Ngay trước khi G7 diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gây chú ý với nhiều phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo Ý Corriere della Sera. Ông cho rằng "chỉ người điên mới nghĩ Nga sẽ gây chiến tranh với NATO", và rằng "tất cả không cần phải sợ Nga".
Những động thái của ông Putin và người phát ngôn Peskov thực tế nhằm mục đích gì trong bối cảnh G7 có cuộc họp quan trọng xác định tương lai của miền đông Ukraine?
Cũng trong cuộc phỏng vấn của Corrier della Sera, ông Putin nhiều lần nhắc lại rằng chính Ukraine mới là phía cần nhận sự điều chỉnh từ G7 và Liên minh châu Âu cùng Mỹ nói chung. Ông cho rằng mình hoàn toàn ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng Ukraine "thậm chí không ngồi vào bàn đàm phán".
Những ý kiến của ông Putin sau đó cũng được nêu rõ hơn trong phát biểu của ông Peskov. Ông nói: "Chúng tôi cũng chú ý đến một thực tế rằng trong số những người tham gia cuộc họp này (G7), có nhiều sắc thái riêng trong cách tiếp cận của họ. Một số nói về nhu cầu đối thoại với Nga và không thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng trên, trong khi không có đối thoại G7, vì vậy chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ".
Sau cuộc họp G7, phía Trung Quốc có động thái bất ngờ khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi lên tiếng bảo vệ Nga, chỉ trích quyết định trừng phạt của phương Tây.
Có thể thấy ông Putin từ đầu đã không xem G7 là nơi có thể hy vọng vào sự tiến triển có lợi cho Nga trong lệnh cấm vận. Thay vào đó, ông đã mượn lời Corriere della Sera "gợi ý" một cuộc đàm phán trực tiếp, và phương Tây có trách nhiệm phải đưa Ukraine lên bàn đàm phán. Một thái độ đáp trả mềm mỏng nhưng đầy tự tin.
Bình luận (0)