Phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông

11/06/2021 08:00 GMT+7

Chiều 10.6, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan các diễn biến trên Biển Đông.

Theo đó, trả lời đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Trung Quốc đã lắp đặt xong giàn khoan “Biển sâu số 1” - giàn khoan nửa chìm nửa nổi đầu tiên trên thế giới, chuẩn bị đưa ra khu vực mỏ Lăng Thủy, nam đảo Hải Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết bà “chưa có thông tin cụ thể về việc này”.
Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhắc lại “lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam” là các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập trên cơ sở Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan.
Liên quan đến sự hiện diện của các tàu Trung Quốc Benhai 09952 và CCG 4301 ở gần khu vực đảo Tri Tôn từ ngày 4 - 7.6, bà Hằng cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Hằng khẳng định.
Cũng liên quan Biển Đông, nêu phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines hồi đầu tuần đến thăm đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), khẳng định đây là một phần trong kế hoạch cải tạo đảo thành cơ sở hậu cần tại khu vực Trường Sa, bà Hằng tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.
“Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình”, bà Hằng cho biết thêm.
Liên quan việc chính quyền Phnom Penh yêu cầu người dân, trong đó có nhiều người gốc Việt ở Campuchia, di dời, giải tỏa các nhà nổi, bè nổi trên khu vực sông Mê Kông, bà Hằng cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với cơ quan chức năng sở tại và phía Campuchia đã ghi nhận các ý kiến của Việt Nam, khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam học tập, làm ăn và người gốc Việt sinh sống ổn định tại Campuchia.
“Việt Nam thông hiểu chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ cảnh quan, môi trường của Campuchia, đồng thời mong rằng việc di dời được triển khai với lộ trình hợp lý và khả thi, có bố trí khu vực tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu”, bà Hằng bày tỏ và cho biết các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát việc di dời và tình hình của cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, phối hợp với Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia kịp thời có các biện pháp hỗ trợ bà con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.