Phát hiện ca dịch hạch lâu đời nhất thế giới ở Siberia

28/02/2021 20:00 GMT+7

Bằng chứng về một đại dịch tiềm tàng thời cổ đại đã được tìm thấy sau khi giới chuyên môn kiểm tra hài cốt của người Siberia 6.000 năm về trước.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ Đại học liên bang Siberia, các viện nghiên cứu của Nga và các nhà khoa học từ Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh tình cờ phát hiện ca nhiễm vi khuẩn dịch hạch ở người cho đến nay được coi là lâu đời nhất.
Nghiên cứu tập trung vào động lực dẫn đến di cư của con người liên quan vi khuẩn dịch hạch (có tên khoa học là Yersinia pestis) ở Đông Bắc Á cổ đại.
Các chuyên gia kiểm tra dữ liệu bộ gien từ 40 bộ hài cốt người có niên đại từ 550 -16.900 năm, từng được khai quật ở miền đông Siberia (hiện thuộc Nga), theo hãng Sputnik.

Manh mối từ 2 bộ hài cốt người cổ đại

Được đăng trên chuyên san khoa học Science Advances, nghiên cứu phát hiện dấu vết của vi khuẩn dịch hạch ở một trong những vùng cực bắc của trái đất nhờ phân tích hai bộ hài cốt của những người từng sống suốt thời kỳ Đồ Đồng ở vùng Baikal và vùng Sông Kolyma ở Siberia.
“Bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm vi khuẩn chết người này được tìm thấy trong 2 bộ hài cốt người Siberia cổ đại. Trường hợp nhiễm bệnh dịch hạch lâu đời nhất trên thế giới đã được xác nhận thông qua phân tích mảng bám trên răng của một cá nhân ở vùng Baikal, sống cách đây khoảng 4.400 năm”, tiến sĩ Pavel Mandryka, đồng tác giả nghiên cứu và nhà khảo cổ học cũng là giáo sư lịch sử thuộc Đại học liên bang Siberia, cho biết.

Một phân tích ADN của người Siberia cổ đại cho thấy vi khuẩn dịch hạch, Yersinia pestis, đã lây nhiễm cho những người sống ngay phía tây của Hồ Baikal (ảnh) vào khoảng 4.400 năm trước

Chụp màn hình Sciencenews

“Trường hợp thứ hai, được phát hiện trong hài cốt người ở vùng Kolyma, sống khoảng 3.800 năm về trước. Trong mối liên hệ này, giả thuyết là rằng một đại dịch có thể đã hoành hành khắp Siberia. Tuy nhiên, việc xác định điều này như một sự thật sẽ cần có thêm những phát hiện mới”, giáo sư Mandryka nói thêm.
Các nhà khoa học tin rằng người tinh khôn (Homo sapien) bắt đầu sinh sống ở Đông Bắc Á khoảng 38.000 năm trước, mặc dù điều kiện khí hậu khắc nghiệt bao gồm các kỷ băng hà xảy ra trong Kỷ nguyên Pleistocene - tồn tại từ khoảng 2,6 triệu năm trước cho đến khoảng 11.700 năm trước - được cho là nguyên nhân khiến người tinh khôn hầu như không thể sinh sống ở những vùng lãnh thổ trên trong giai đoạn này.

Đã xác nhận: Người bản địa Bắc Mỹ di cư từ Siberia

Cùng với những phát hiện liên quan đến đại dịch hạch, công trình của các nhà khoa học trên cung cấp bằng chứng mới xác nhận quan điểm phổ biến rằng các dân tộc bản địa ở Bắc Mỹ di cư từ Siberia.
Những kết luận này được đưa ra dựa trên các nghiên cứu về gien cho thấy người Belkachi, được biết là sinh sống ở vùng Yakutia của Siberia 9.000 năm trước, rất có thể là tổ tiên của người Paleo-Inuit, tộc người mà hậu duệ của họ tiếp tục sinh sống ở miền bắc Canada, Nga, Alaska và Greenland ngày nay.

Mẫu răng của người Siberia cổ đại Chụp màn hình Expressdigest

Người da trắng và người Bắc Phi ở Siberia? Đúng

Một phát hiện khác của nghiên cứu này là các quần thể người từ Đông Âu và thậm chí cả Bắc Phi đã xuất hiện ở vùng Baikal ở Siberia khoảng 8.500 năm trước sau khi băng tan và rằng mã di truyền của các quần thể người này tiếp tục tồn tại ở đó cho đến thời kỳ hiện đại ở Lãnh thổ Krasnoyarsk, vùng Irkutsk và Yakutia (thuộc Nga ngày nay).
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng thú vị cho thấy một bộ tộc người chưa được biết đến cho đến nay từng đi qua miền bắc Siberia khoảng 16.000 năm trước.
Dù không có bằng chứng về văn hóa vật chất của bộ lạc du mục này dưới dạng khám phá khảo cổ học, nhưng gien của họ được cho là đã được truyền lại cho một số người cổ đại từng sống trên các vùng lãnh thổ phía bắc Hồ Baikal ở Siberia hàng thiên niên kỷ trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.