Chuẩn tinh là những thiên thể sáng chói nằm ở trung tâm của các thiên hà. Chúng là các đối tượng thiên văn ở khoảng cách xa nhất từng được biết đến, và đóng vai trò chen chốt cho phép con người tìm hiểu về vũ trụ đời đầu, theo Đài CBS News hôm 13.1.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) đã tìm ra chuẩn tinh xa nhất từ trước đến nay, và đặt tên cho nó là J0313-1806. Nó xuất hiện vào khoảng năm 670 triệu năm sau sự kiện Big Bang, khi vũ trụ sơ sinh chỉ mới 5% số tuổi hiện tại.
Trong khi J0313-1806 chỉ lớn hơn 20 triệu năm ánh sáng so với chuẩn tinh giữ kỷ lục trước đó là ULAS J1342+0928, siêu hố đen đằng sau nó có khối lượng nặng gấp hai lần.
Cụ thể, chuẩn tinh trên phóng ra ánh sáng chói lóa gấp 1.000 lần so với toàn bộ Dải Ngân hà, và nó được tiếp sức bởi siêu hố đen có khối lượng hơn gấp 1,6 tỉ lần so với mặt trời của chúng ta.
Theo báo cáo chuẩn bị được công bố trên chuyên san Astrophysical Journal Letters, đội ngũ chuyên gia Đại học Arizona cho hay đây là chứng cứ lâu đời nhất cho thấy cách thức một siêu hố đen đang tác động đến thiên hà xung quanh.
Tác giả Feige Wang cho hay, dựa trên những thiên hà gần hơn, các nhà nghiên cứu biết được cơ chế hoạt động của siêu hố đen, nhưng họ chưa từng chứng kiến hiện tượng này diễn ra sớm đến thế trong vũ trụ.
Theo giả thuyết được nhiều nhà khoa học tán đồng, các siêu hố đen nuốt chửng những khối lượng vật chất khổng lồ, như khí hoặc các ngôi sao, để tạo thành vành đĩa bao quanh, và chuẩn tinh được tạo ra.
Bình luận (0)