“Gã khổng lồ khí”, có tên WASP-62b, lần đầu tiên lọt vào tầm quan sát của các chuyên gia Trái đất từ năm 2012, thông qua dự án khảo sát WASP của một đội ngũ các nhà nghiên cứu quốc tế. Tuy nhiên, khí quyển của nó chưa từng được nghiên cứu cặn kẽ, cho đến nay.
Khổng lồ khí là nhóm các hành tinh có phần lớn cấu tạo từ khí, như sao Thổ và sao Mộc của hệ mặt trời chúng ta.
Theo thông cáo báo chí của Trung tâm Harvard-Smithsonian về Vật lý học thiên thể, WASP-62b nằm cách Trái đất khoảng 575 năm ánh sáng, và có khối lượng bằng phân nửa sao Mộc.
Trong khi sao Mộc mất gần 12 năm để hoàn tất vòng quay quanh mặt trời, WASP-62b chỉ cần 4 ngày rưỡi để xoay quanh sao trung tâm. Khoảng cách quá gần với sao trung tâm đồng nghĩa với thực tế bề mặt hành tinh này cực nóng, nên được gọi là “sao Mộc nóng”, theo báo cáo trên chuyên san Astrophysical Journal Letters.
Điểm đặc biệt hơn cả là hành tinh này không có mây. Đây là lần thứ hai các nhà thiên văn học Trái đất phát hiện một hành tinh không mây, nhưng lần đầu tiên lại là một hành tinh thuộc dạng khác, được gọi là “sao Thổ nóng” và có tên WASP-96b.
Những hành tinh không mây khá hiếm trong vũ trụ. Giới nghiên cứu ước tính chỉ có không đến 7% số hành tinh sở hữu khí quyển trong suốt.
Các chuyên gia hy vọng kính thiên văn không gian James Webb một khi được phóng lên quỹ đạo có thể cho phép nghiên cứu chi tiết hơn về hành tinh trên, chẳng hạn như WASP-62b hình thành như thế nào, liệu nó có khác những hành tinh mây hay không.
Bình luận (0)