Phát hiện siêu tân tinh chói lòa nhất từ trước đến nay trong vũ trụ

15/04/2020 14:25 GMT+7

Các nhà thiên văn học cho rằng họ vừa phát hiện một siêu tân tinh phát tán những luồng sáng chói lòa và phát ra nguồn năng lượng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử nghiên cứu vũ trụ của nhân loại.

Những ngôi sao khổng lồ không chấm dứt cuộc đời một cách âm thầm, lặng lẽ. Cái chết của chúng đánh dấu bằng những vụ nổ ngoạn mục có thể làm lu mờ ánh sáng của cả thiên hà.
Giờ đây, các nhà thiên văn học đã tìm ra vụ nổ mạnh mẽ nhất mà nhân loại từng chứng kiến, đánh dấu sự giẫy chết của một ngôi sao (mà cũng có thể là hai ngôi sao) .
Siêu tân tinh, có tên SN2016aps, vào ngày 22.2.2016 đã lọt vào tầm quan sát của hệ thống PanSTARRS được đặi tại Đài quan sát Haleakala ở Hawaii. Nó xảy ra ở thiên hà cách Trái đất 4,5 tỉ năm ánh sáng.
Thế nhưng, phải đến mới đây đội ngũ chuyên gia do tiến sĩ Matt Nicholl của Đại học Birmingham (Anh) dẫn đầu mới xác định được SN2016aps tỏa ra ánh sáng gấp 500 lần so với các vụ nổ siêu tân tinh bình thường.
Theo các nhà thiên văn học, SN2016aps là sự kiện siêu tân tinh sáng nhất, tỏa ra năng lượng mạnh mẽ nhất và bao trùm khoảng không gian lớn nhất của vũ trụ mà con người từng quan sát được.
Báo cáo trên chuyên san Nature Astronomy, các chuyên gia cho rằng có thể liệt SN2016aps vào nhóm “bội siêu tân tinh”, nếu dựa trên mức năng lượng và ánh sáng tỏa ra.  
Đội ngũ nghiên cứu, có sự tham gia của Đại học Harvard và Ohio (Mỹ), thậm chí cho rằng hiện tượng trên nhiều khả năng là "siêu tân tinh đôi" vô cùng hiếm, chỉ siêu tân tinh nhiều khả năng được kích hoạt bởi hai ngôi sao khổng lồ.
Hai ngôi sao được cho đã kết hợp trước khi nổ tung và tạo ra vụ nổ sao lớn nhất từ trước đến nay.
"Siêu tân tinh đôi” cho đến nay chỉ tồn tại trong giả thuyết và chưa từng được xác nhận thông qua các quan sát thiên văn học trên thực tế.
Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia hy vọng nghiên cứu của họ sẽ góp phần vào nỗ lực tìm kiếm những ngôi sao già nhất trong vũ trụ, một khi kính viễn vọng không gian mới của NASA là James Webb được phóng lên quỹ đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.