Reuters ngày 25.9 đưa tin các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện (vốn đang nắm thế đa số) sẽ soạn thảo dự luật giảm nhiệm kỳ của thẩm phán Tòa án Tối cao xuống còn 18 năm thay vì trọn đời.
Ngoài ra, theo dự luật mà Reuters có được, tổng thống sẽ được phép đề cử hai thẩm phán tòa án tối cao trong mỗi nhiệm kỳ nắm quyền của mình.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định đề cử thẩm phán mới thay bà Ruth Bader Ginsburg, người vừa qua đời hôm 18.9. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố sẽ tổ chức bỏ phiếu để thông qua đề cử của tổng thống trước cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Đảng Dân chủ phản đối quyết định trên. Ứng viên tổng thống Joe Biden gọi đây là “vi phạm hiến pháp” vì việc bổ nhiệm thẩm phán mới trong năm bầu cử là chưa từng có tiền lệ.
Ông McConnell cũng đi ngược với quan điểm của chính mình năm 2016, khi ông nỗ lực ngăn cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm ứng viên Merrick Garland thay thế cố thẩm phán Antonin Scalia vừa qua đời lúc đó.
Theo khảo sát của nhóm vận động Fix the Court, có 77% số người ủng hộ việc giới hạn nhiệm kỳ của thẩm phán. Những người tham gia khảo sát nhận định “điều này sẽ giúp vị trí trong Tòa án Tối cao được bổ nhiệm định kỳ, tránh để tòa án bị chính trị hóa quá mức”.
Trước khi bà Ginsburg mất, Tòa án Tối cao có 9 thẩm phán, với 5 người xu hướng bảo thủ và 4 người tự do. Giới quan sát cho rằng ông Trump muốn bổ nhiệm sớm một thẩm phán bảo thủ để tăng thêm tỷ lệ ủng hộ các quyết sách của ông tại tòa án khi cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng chỉ còn hơn 40 ngày.
Nhiều chuyên gia pháp lý hoài nghi dự luật sẽ vấp phải trở ngại vì cần có sự sửa đổi Hiến pháp, vốn quy định thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời đến khi chết hoặc chủ động về hưu. Tuy nhiên các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho biết sẽ tránh trở ngại hiến pháp bằng việc để các thẩm phán theo dự luật mới trở thành thẩm phán “cao cấp” sau khi về hưu và có thể chuyển đến tòa án cấp thấp hơn sau nhiệm kỳ 18 năm.
Bình luận (0)