Phép thử phòng thủ cho Singapore qua thượng đỉnh Mỹ - Triều

19/02/2019 11:29 GMT+7

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất là cơ hội quý báu để Singapore thử nghiệm năng lực quốc phòng ngay trong thời bình.

Chỉ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - CHDCND Triều Tiên ngày 12.6.2018 kết thúc, giới chức Singapore cùng lực lượng an ninh hùng hậu của nước này mới có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi đã nỗ lực tối đa để bảo đảm không có sự cố nào, dù là nhỏ nhất. Hội nghị năm ngoái diễn ra chóng vánh trong vòng 1 ngày, trong khi năm nay Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau trong 2 ngày 27 và 28.2 tại Hà Nội.
Sơ đồ 4 lớp an ninh của Singapore tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều The Straits Times/Đồ họa: Hạ Huy
Sự kiện chắc chắn thu hút những phần tử phá hoại và khủng bố
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, việc chuẩn bị an ninh cho hội nghị thượng đỉnh được tiến hành trong tinh thần ứng phó mối đe dọa thực thụ. “Sự kiện chắc chắn thu hút những phần tử phá hoại và khủng bố”, tờ The Straits Times dẫn lời ông Ng nhận định. Theo ông, đó thật sự là một cuộc chạy đua vì hội nghị chính thức được xác nhận chỉ 2 tuần trước khi diễn ra. “Sứ mệnh quá rõ ràng: đảm bảo an ninh tuyệt đối để ông Trump và ông Kim có thể tổ chức hội nghị mà không bị gián đoạn hay đối diện bất cứ thách thức an ninh nào. Nếu có ai muốn gây tổn hại, chúng tôi sẽ phản ứng với khả năng không gì có thể ngăn cản”, Bộ trưởng Ng nhấn mạnh.
Vì thế, nhân sự từ các đơn vị lục quân, không quân và hải quân đã được điều động và đây cũng là một trong những lần hiếm hoi khi họ trang bị đạn thật để bảo vệ nơi công cộng trong thời bình.
Cảnh sát kiểm tra thiết bị của phóng viên tác nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore. Ảnh chụp màn hình The Wire
Theo trang The Online Citizen, lực lượng an ninh Singapore (SAF) dàn khoảng 2.000 quân từ nhiều đơn vị để hình thành 4 lớp bảo vệ bao quanh đảo quốc sư tử, đặc biệt là đảo Sentosa, nơi diễn ra sự kiện. Trong đó bao gồm cả những “siêu đặc nhiệm” thuộc bộ tộc Gurkha ở Nepal nổi tiếng thiện chiến hàng đầu thế giới. Ngoài quân đội Nepal, các binh sĩ Gurkha còn phục vụ trong lực lượng vũ trang Singapore, Anh và Ấn Độ.
"Siêu đặc nhiệm" Gurkha cũng tham gia bảo vệ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore Reuters
Theo The Straits Times, lớp bảo vệ trong cùng là lực lượng đặc nhiệm và các đội phá bom, chống vũ khí sinh học, hóa học và phóng xạ nhằm phản ứng nhanh, cùng với sự phối hợp của máy bay không người lái (UAV) Heron 1 và 6 trực thăng Puma. Lớp thứ 2 tập trung vào công tác phản ứng nhanh về an ninh và y tế, với hơn 100 xe cứu thương và các xe điều trị nạn nhân vũ khí hóa học, sinh học và phóng xạ sẵn sàng nhận lệnh.
Lớp thứ 3 gồm các tàu đổ bộ, tàu tác chiến ven bờ, tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tra cao tốc trên biển. Còn lớp ngoài cùng là hệ thống phòng không mặt đất, đáng chú ý là tên lửa I-Hawk có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trong phạm vi 50 km với tốc độ Mach 2,4 (gấp 2,4 lần tốc độ âm thanh, tương đương 2.963 km/giờ). Hỗ trợ I-Hawk là hệ thống tên lửa phòng không vác vai RBS-70 và tên lửa đất đối không tầm thấp Spyder nhằm đối phó trực thăng hay UAV. Bên cạnh đó còn có hơn 20 máy bay gồm tiêm kích F-15, F-16, máy bay cảnh báo sớm G550 và trực thăng Apache quần đảo bầu trời.
[VIDEO] Lựa chọn Singapore cho thượng đỉnh Mỹ Triều: trung lập, an ninh, uy tín và hào nhoáng
Tuy nhiên, khi tổng kết đánh giá sau hội nghị, Bộ trưởng Ng cho rằng SAF vẫn chỉ xứng đáng nhận điểm A chứ chưa phải A+, do vẫn còn một số lỗ hổng an ninh kịp thời được phát hiện. Ông không tiết lộ chi tiết nhưng cho biết SAF đã có biện pháp khắc phục.
“Đột phá lớn thay đổi lịch sử”
Ngày 18.2, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng bài xã luận nhấn mạnh nước này đang đối diện “thời khắc thay đổi mang tính lịch sử” và kêu gọi nỗ lực phát triển kinh tế. “Đã đến lúc chúng ta cột chặt dây giày và chạy nhanh, hướng đến mục tiêu cao hơn vì chúng ta đang đối diện với giây phút quyết định”, bài báo viết. Trước đó, trang tuyên truyền Meari của Triều Tiên cho rằng quan hệ với Mỹ sẽ chứng kiến “đột phá lớn” như mối quan hệ liên Triều nhưng cũng kêu gọi Washington cần có những hành động hồi đáp tương ứng với những nỗ lực gần đây của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.