Philippines củng cố hạm đội đối phó lo ngại về hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông

11/02/2021 16:02 GMT+7

Hải quân Philippines đẩy mạnh việc mua tàu tấn công nhanh, tàu tuần tra xa bờ nhằm gia tăng khả năng tuần tra ở Biển Đông giữa lúc có lo ngại về mối đe dọa chiến tranh từ Luật Hải cảnh của Trung Quốc .

Vào ngày 27.1, Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin thông báo trên Twitter rằng ông đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc ngày 22.1 ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng nhắm vào các tàu nước ngoài, gọi đó là “mối đe dọa chiến tranh”.
“Bất kỳ việc dùng vũ lực phải bị xem là hành động thù địch hoặc hành động gây hấn. Nó tương đương hành động chiến tranh theo một cách nào đó và tôi không nói quá vì Hải cảnh Trung Quốc không phải là lực lượng dân sự”, Chuyên gia về luật biển của Philippines Jay Batongbacal cảnh báo trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh ABS-CBN hôm 26.1.

Hải quân Philippines trong một cuộc diễn tập hồi tháng 11.2020

Chụp màn hình One News

Hai ngày sau khi Luật Hải cảnh có hiệu lực, tờ The Philippine Star đăng bài bình luận với tựa đề “China is inciting war; Filipinos must prepare”(tạm dịch:Trung Quốc đang kích động chiến tranh; người Philippines phải chuẩn bị). “ Người Philippines yêu hòa hình nên phải chuẩn bị cho chiến tranh”, bài viết kêu gọi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết bảo vệ Philippines ở Biển Đông

 

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana vào sáng 10.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III tái khẳng định liên minh Mỹ-Philippines, hiệp ước phòng thủ chung (MDT) và Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA). Theo MDT, Washington và Manila cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị lực lượng nước ngoài tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Hai bộ trưởng còn thảo luận tầm quan trọng của việc nâng cao các khả năng của Lực lượng vũ trang Philippines và nâng cao khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước thông qua các hoạt động hợp tác an ninh song phương.

Đến ngày 9.2, chỉ huy Lực lượng vũ trang Philippines Cirilito Sobejana cho hay nước này sẽ triển khai thêm khí tài hải quân đến biển Tây Philippines, tên Philippines gọi vùng biển nước này tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Ông còn cho rằng việc Trung Quốc cho phép hải cảnh nổ súng là vấn đề “đáng báo động” và “vô trách nhiệm”.

Từ tàu tấn công nhanh

Trước lo ngại về mối đe dọa từ Lực lượng hải cảnh Trung Quốc, tờ The Philippine Star ngày 4.2 đưa tin Hải quân Philippines đang xúc tiến việc trang bị cho hạm đội 9 tàu tấn công nhanh lớp Shaldag do Israel đóng. Sĩ quan Benjo Negranza thuộc hải quân Philippines cho hay hợp đồng mua 9 tàu này và chuyển giao công nghệ cho các xưởng đóng tàu ở Philippines dự kiến được ký trong tháng này.
Tàu tuần tra lớp Shaldag có vận tốc tối đa 92,6 km/giờ, được trang bị tên lửa và súng tự động, với thủy thủ đoàn 15 người. Lớp tàu này đã được hải quân của ít nhất 9 nước sử dụng kể từ khi chiếc đầu tiên được thiết kế vào năm 1989.
Hồi tháng trước, Tư lệnh hải quân Philippines, phó đô đốc Giovanni Carlo Bacordo, cho hay 9 tàu mới sẽ thay thế các tàu tuần tra lớp Tomas Batilo do Hàn Quốc tặng trong thập niên 1990 và 2000. Hiện chỉ có 4 trong 8 chiếc tàu lớp Tomas Batilo còn hoạt động.

Tàu tấn công nhanh lớp Shaldag do Israel đóng

Chụp màn hình Inquirer.net

Hải quân Philippines cũng đang thảo luận với công ty đóng tàu nước này PropMech đóng 36 tàu tấn công đa nhiệm. Tàu mới cũng sẽ được trang bị tên lửa đối đất với tầm bắn 25 km. Trước thời gian Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mãn nhiệm kỳ vào tháng 6.2022, hải quân nước này hy vọng dần dần thay thế các tàu cũ bằng tàu có tốc độ nhanh hơn, được trang bị tên lửa để đạt khả năng đáng tin cậy ở mức tối thiểu có thể bảo vệ các lợi ích hàng hải quốc gia, theo kênh One News.

Đến tàu tuần tra xa bờ

Ngoài ra, Phó đô đốc Bacordo cho hay hải quân Philippines sẽ ưu tiên mua 6 tàu tuần tra xa bờ (OPV) được đóng mới nhằm thay thế 26 tàu lực lượng này định cho về hưu trong năm nay. Ông cho biết thêm những tàu cũ, trong đó có các tàu tuần tra từ thời Thế chiến 2, ngốn kinh phí quá lớn để bảo trì, vận hành và không còn khả năng tiết kiệm nhiên liệu, theo The Philippine Star.
“Chúng ta sẽ cần tàu có khả năng hoạt động ở đại dương để gia tăng khả năng tuần tra của chúng ta (ở Biển Đông). Những tàu mới này sẽ có độ bền lâu hơn so với những tàu cũ và có hỏa lực và hệ thống liên lạc tốt hơn”, ông Bacordo khẳng định. Quân đội Philippines đã dành 30 tỉ peso (gần 14.500 tỉ đồng) để đóng 6 chiếc OPV mới theo chương trình hiện đại hóa của lực lượng này.
Hải quân Philippines cần tổng cộng 18 chiếc OPV để có thể tuần tra hiệu quả ở các biên giới biển của nước này. Philippines hiện có 6 chiếc OPV, trong đó có 3 chiếc do Mỹ cung cấp cách đây một thập niên (chính là tàu tuần tra lớp Hamilton loại biên của Lực lượng tuần duyên Mỹ) và 3 chiếc lớp Jacinto được hải quân hoàng gia Anh chuyển giao trước khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hải quân Philippines sẽ có được 6 chiếc OPV mới theo giai đoạn 2 của kế hoạch hiện đại hóa đến năm 2022 và 6 chiếc khác theo giai đoạn 3 đến năm 2028. Ông Bacordo cho hay nhiều công ty đóng tàu từ Úc, Hàn Quốc và một quốc gia Đông Nam Á đã chào mời đóng OPV cho hải quân Philippines.

Một đội thuộc Bộ Quốc phòng Philippines kiểm tra việc bàn giao tàu hộ vệ BRP Antonio Luna sau khi tàu hoàn tất việc chạy thử ở Hàn Quốc ngày 29.1

Chụp màn hình Inquirer.net

Ngoài ra, hải quân Philippines ngày 9.2 đón nhận chiếc tàu hộ vệ tên lửa thứ 2 từ Công ty Công nghiệp nặng Hyundai của Hàn Quốc theo hợp đồng đóng 2 chiếc với tổng trị giá 16 tỉ peso được ký hồi năm 2016. Chiếc tàu thứ 2 được đặt tên BRP Antonio Luna. Chiếc đầu tiên, BRP Jose Rizal, được bàn giao hồi tháng 5.2020.
Tàu BRP Jose Rizal dài 107 m, có vận tốc tối đa 46,3 km/giờ, có thể hoạt động liên tục tới 30 ngày, theo trang tin The Rappler. Ông Bacordo tiết lộ tàu hộ vệ này có khả năng tác chiến chống tàu chiến nổi, tàu ngầm, máy bay và cả khả năng tác chiến điện tử.
Trước khi có được BRP Jose Rizal, chiến hạm có năng lực tác chiến tốt nhất của hải quân Philippines là tàu BRP Conrado Yap, khinh hạm lớp Pohang được hải quân Hàn Quốc cho về hưu vào năm 2016 và bán lại cho Philippines vào năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.