Philippines dừng hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ sau khi Tổng thống Duterte ra điều kiện

15/06/2021 08:03 GMT+7

Chính phủ Philippines một lần nữa tạm dừng quyết định hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte ra điều kiện thảo luận về thỏa thuận quân sự này.

Cụ thể, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 14.6 thông báo việc tạm dừng quyết định hủy VFA sẽ kéo dài thêm 6 tháng trong lúc Tổng thống Duterte “nghiên cứu và hai bên giải quyết thêm các quan ngại liên quan của ngài ấy, đặc biệt về một số khía cạnh của thỏa thuận”, theo Reuters. Thông báo mới đánh dấu lần thứ 3 chính phủ Philippines tạm dừng quyết định hủy VFA kể từ khi Tổng thống Duterte ra quyết định này vào tháng 2.2020.
Hôm 9.6, tờ The Philippine Star dẫn lời Tổng thống Philippines Duterte cho hay ông sẽ chỉ thảo luận VFA nếu Mỹ có thể giải thích tại sao tàu Trung Quốc không bị yêu cầu rút khỏi trong vụ va chạm với tàu Philippines ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông hồi năm 2012. Mỹ đã làm trung gian cho thỏa thuận rút tàu trong vụ va chạm khi đó. Tuy nhiên, chỉ có tàu Philippines rút khỏi trong khi tàu Trung Quốc vẫn ở lại và Bắc Kinh giành quyền kiểm soát Scarborough từ đó.

Giữa căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ - Philippines tập trận chung

Philippines là một đồng minh có ký hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ và nhiều thỏa thuận quân sự phụ thuộc vào VFA. Được ký vào năm 1998, VFA cung cấp các quy định cho việc luân chuyển hàng ngàn binh sĩ Mỹ đến Philippines để tham gia các cuộc tập trận. Có được khả năng luân chuyển binh sĩ này quan trọng không chỉ đối với việc phòng thủ của Philippines mà còn đối với Mỹ về mặt chiến lược, khi Mỹ muốn đối phó hành vi ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc ở khu vực, theo Reuters.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh việc chính  phủ Philippines tạm dừng quyết định hủy VFA lần nữa , nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá Philippines là một đối tác có chủ quyền, ngang hàng trong liên minh song phương của chúng tôi. Quan hệ đối tác của chúng tôi đóng góp không chỉ cho an ninh của hai nước mà còn củng cố trật tự dựa trên luật mà còn có lợi cho tất cả các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.