Philippines hủy Thỏa thuận lực lượng thăm viếng với Mỹ sẽ dẫn tới hậu quả gì?

11/02/2020 18:53 GMT+7

Đại sứ quán Mỹ tại Philippines đã lên tiếng về việc Manila hủy Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) song phương và một thượng nghị sĩ Philippines đã chỉ ra hệ quả khó lường từ việc này.

Trong thông cáo hôm nay 11.2, Đại sứ quán Mỹ xác nhận đã được Bộ Ngoại giao Philippines thông báo về ý định của Manila hủy bỏ VFA.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Teddy Boy Locsin Jr đã ký và gửi thông báo hủy VFA cho chính phủ Mỹ hôm nay theo lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte, theo tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines Salvador Panelo. Ông Panelo cho biết thêm việc hủy VFA sẽ có hiệu lực sau 180 ngày kể từ hôm nay 11.2.

[VIDEO] Philippines sẽ chấm dứt thỏa thuận an ninh với Mỹ

“Đây là bước đi nghiêm trọng với những hệ quả đáng kể cho liên minh Mỹ - Philippines. Chúng tôi sẽ xem xét kỹ cách tốt nhất để hướng tới thúc đẩy những lợi ích chung của chúng tôi”, Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh trong thông cáo.
Mặt khác, Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh nước này vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Philippines.
Hôm 23.1, Tổng thống Duterte cảnh báo Mỹ có một tháng để khôi phục thị thực cho thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa, nếu không ông sẽ hủy bỏ VFA.
VFA được ký vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.
Sau khi VFA bị hủy, Philippines và Mỹ còn lại hai thỏa thuận quân sự lớn, gồm Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA). MDT quy định bên này sẽ bảo vệ bên kia trong trường hợp bị lực lượng nước ngoài tấn công; còn EDCA cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự ở Philippines.

[VIDEO] Hai tàu sân bay Mỹ khoe sức mạnh ngoài khơi Philippines


Phát ngôn viên Panelo cho hay chính quyền Tổng thống Philippines sẽ chờ đánh giá từ thượng viện về tác động của việc hủy VFA  đối với MDT và EDCA. “Nếu VFA bị hủy, EDCA không thể tồn tại một mình vì nền tảng của EDCA là VFA; do vậy nếu VFA bị hủy, EDCA không thể có tác dụng. Nếu VFA và EDCA không còn hiệu lực thì MDT sẽ vô ích”, thượng nghị sĩ Philippines Franklin Drilon cho hay trong cuộc phỏng vấn trước khi Manila ra thông báo chính thức hủy VFA, theo CNN.
Hôm 10.2, Thượng viện Philippines đã phê chuẩn nghị quyết xem xét kỹ VFA trước khi đưa ra quyết định liên quan đến số phận của VFA, nhưng đến hôm nay, chính quyền Tổng thống Duterte đã gửi thông báo chính thức hủy thỏa thuận này cho phía Mỹ.
Tại phiên điều trần trước thượng viện hôm 6.2, Ngoại trưởng Locsin đã cảnh báo rằng việc hủy VFA sẽ gây tổn hại an ninh của Philippines và làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc không dừng tham vọng kiểm soát vùng biển này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.