Tại buổi họp báo ngày 1.9, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khẳng định ông Duterte sẽ không làm theo động thái của Mỹ để trừng phạt các công ty Trung Quốc vì Philippines là một quốc gia độc lập, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, theo Reuters.
“Chúng ta không phải là một nước chư hầu của bất kỳ thế lực nước ngoài nào. Vì vậy, dự án xây sân bay quốc tế Sangley và tất cả dự án khác, bất kể nhà thầu Trung Quốc nào tham gia, sẽ tiếp tục bởi vì lợi ích quốc gia là phải đảm bảo hoàn thành những dự án hàng đầu trọng điểm”, ông Roque nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hồi tuần rồi cho biết ông sẽ khuyến nghị chính phủ chấm dứt giao dịch với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.
Trước đó, chính phủ Mỹ hôm 26.8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, 24 doanh nghiệp nhà nước bị liệt vào danh sách cấm vận bao gồm các công ty con của Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.
Đó là động thái mới nhất của Washington nhằm gây áp lực với Bắc Kinh vì chính quyền Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự hóa Biển Đông, chiếm đóng, bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị liệt vào danh sách cấm vận đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo AFP. Bộ Thương mại sẽ chặn việc xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu của Mỹ cho 24 công ty này.
Bộ Ngoại gia Mỹ sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông, nhưng không công bố danh tính của những người này.
Mối quan hệ Philippines-Trung Quốc được cải thiện dưới thời Tổng thống Duterte. Ông Duterte nỗ lực tăng cường thu hút đầu từ từ Trung Quốc và từng tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ năm 1998. VFA cho phép Mỹ điều các đơn vị quân sự sang Philippines để tham gia tập trận chung hay hỗ trợ chống khủng bố.
Tuy nhiên, khi căng thẳng Manila-Bắc Kinh gia tăng liên quan đến bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông, Manila đã hoãn quyết định từ bỏ VFA hồi tháng 6.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm 21.8 đã gửi công hàm ngoại giao, kịch liệt phản đối việc lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc "tịch thu bất hợp pháp" các thiết bị đánh bắt cá thả nổi trên biển, được gọi là payao, gần Scarborough hồi tháng 5.
Nhắc đến căng thẳng tại bãi cạn tranh chấp Scarboroug, Ngoại trưởng Locsin ngày 27.8 cho biết nếu Trung Quốc tấn công các tàu hải quân Philippines ở Biển Đông thì Manila sẽ viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung, tức cầu viện Mỹ.
Ông Locsin đồng thời cho biết Philippines sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông (cụ thể là gần bãi cạn tranh chấp Scarborough), bất kể Trung Quốc ngang ngược gọi đó "hành động khiêu khích bất hợp pháp".
Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte công khai tuyên bố sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ Mỹ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định yêu sách chủ quyền "đường lưỡi bò" của Trung Quốc nuốt trọn gần hết Biển Đông là “bịa đặt” và là sản phẩm “trong trí tưởng tượng”.
Bình luận (0)