Hãng tin Reuters dẫn lời ông Roque xác nhận số vắc xin sẽ đến nơi vào ngày 23.2, và trước khi tiến hành chủng ngừa phải được Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Philippines (FDA) thông qua.
Trong số này, 100.000 liều sẽ được tiêm cho các binh sĩ và phần còn lại cho giới nhân viên y tế.
Người phát ngôn tổng thống cho hay FDA cũng đã cấp phép cho 10.000 liều vắc xin Sinopharm của Trung Quốc cho đội ngũ bảo vệ nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte.
Cho đến nay, Philippines chỉ mới chấp nhận vắc xin của AstraZeneca và liên danh Pfizer-BioNTech cho các tình huống khẩn cấp.
Quốc gia Đông Nam Á đặt mục tiêu khởi đầu chương trình tiêm vắc xin đại trà với 117.000 liều của Pfizer-BioNTech, dự kiến sẽ được chuyển giao trong tháng 2.
Tổng cộng chính quyền Manila muốn tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho 70 triệu người trưởng thành, hay 2/3 dân số của nước này, trong năm nay, và đã điều đình với các hãng dược Moderna, Gamaleya, Janssen, Pfizer, AstraZeneca, Sinovac, Novavax để mua 148 triệu liều vắc xin.
Duy trì thỏa thuận quân sự với Mỹ
Trong cuộc hội đàm cùng ngày với các quan chức quân sự Mỹ tại Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana bày tỏ ý định muốn duy trì Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ.
|
VFA được ký vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte hồi năm ngoái đã đơn phương tuyên bố hủy bỏ VFA sau khi Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho một đồng minh của ông.
Thế nhưng, việc rút khỏi VFA đã hai lần bị trì hoãn và giới chức Philippines cho rằng vẫn còn cơ hội để nối lại thỏa thuận quân sự này.
Đây cũng là cuộc hội đàm đầu tiên giữa quan chức quân đội song phương kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ.
Bộ trưởng Lorenzana cũng bày tỏ quan ngại về luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, theo đó cho phép các tàu hải cảnh Trung Quốc được phép nổ súng tại vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Bình luận (0)