Quân đội Trung Quốc được như ngày nay là ‘nhờ’ Mỹ?

27/01/2021 16:50 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng những khí tài và công nghệ quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đã khơi mào một chương trình hiện đại hóa giúp quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng tác chiến hiện đại.

Ngày 17.1 vừa qua đánh dấu 30 năm ngày liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành dịch Bão táp Sa mạc chống lại Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh (2.8.1990- 28.2.1991). Cuộc chiến này đã dẫn tới 30 năm hỗn loạn và xáo trộn ở quốc gia Trung Đông hùng mạnh một thời này, nhưng cũng là một khám phá bất ngờ đối với giới chỉ huy quân đội Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

“Sốc như quả bom nguyên tử tâm lý”

Giới chuyên gia cho rằng Chiến dịch Bão táp sa mạc, kéo dài 6 tuần, đã đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng về chiến tranh và cho thấy sự tụt hậu của quân đội Trung Quốc (PLA) vào thời điểm đó và gây ra nỗi lo lắng về an ninh quốc gia. “Từ các học thuyết quân sự đến việc xây dựng quân đội, đến vũ khí và thiết bị, chúng tôi nhận thấy mình đi sau người Mỹ vài thập niên”, chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng ở Thượng Hải bình luận, theo SCMP.
Dù truyền hình nhà nước Trung Quốc không phát trực tiếp về Chiến dịch Bão táp sa mạc, chiến dịch này vẫn được giới chỉ huy quân đội Trung Quốc theo dõi kỹ. “Giống như tôi, dự đoán của hầu hết quân nhân ở Trung Quốc lúc cuộc chiến mới bắt đầu là Mỹ sẽ lặp lại sự thất bại của Liên Xô ở Afghanistan. Nhưng chúng tôi đã sai”, ông Lưu Đinh Bình, một sĩ quan thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 (bây giờ là Lực lượng Tên lửa của PLA) viết trong một bài báo vào lúc đó.
Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã cho chiến đấu cơ xuất kích hơn 100.000 lần và thả 88.500 tấn bom, san bằng hệ thống phòng thủ của Iraq. Liên quân chỉ mất 42 ngày, trong đó chỉ có 100 giờ đổ bộ, để đánh bại quân đội Iraq, vốn được đánh giá lớn thứ 4 trên thế giới thời bấy giờ. “Nếu chúng ta bị Mỹ tấn công vào lúc đó, kết quả có lẽ cũng như thế”, chuyên gia Nghê Lạc Hùng bình luận.

Chiến đấu cơ F-4 cất cánh từ tàu sân bay Mỹ USS John F. Kennedy ở Biển Đỏ vào ngày 25.1.1991, khi liên quân đang tiến hành Chiến dịch Bão táp sa mạc

Chụp màn hình Usnews.com

Nhiều binh sĩ của nhà lãnh đạo Iraq lúc đó Saddam Hussein là cựu chiến binh của Chiến tranh Iran-Iraq (22.9.1980 –20.8.1988) và được trang bị xe tăng tiên tiến thời Liên Xô T-72 cùng chiến đấu cơ MiG-25 và MiG-29. Trong khi đó, Mỹ đã có chiến đấu cơ tàng hình hoạt động đầu tiên của thế giới F-117 và chiến đấu cơ thế hệ 4 như F-15, F-16 và F/A-18 làm lực lượng chủ chốt cho chiến dịch trên không. Ngoài ra, các đội máy bay trinh sát, giám sát, tác chiến điện tử, tiếp nhiên liệu trên không cũng hoàn toàn xa lạ đối với PLA vào thời điểm đó.
Nhà bình luận quân sự ở Macau Antony Wong nhận định PLA không bao giờ tưởng tượng được rằng liên quân sẽ có thể chiến thắng hầu như chỉ bằng sức mạnh không lực. “Khả năng đó thật sự gây sốc, như một quả bom nguyên tử tâm lý đối với quân đội Trung Quốc, vốn vẫn tin tưởng vào các chiến thuật kiểu Liên Xô từ thập niên 1960 và 1970”, ông Wong bình luận. Còn Giáo sư Vương Nghĩa Ngôi thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định Bắc Kinh “đã học được bài học từ Chiến tranh vùng Vịnh rằng Mỹ đã thiết lập sự thống trị của mình thông qua sức mạnh quân sự. Họ có thể đánh bại chúng ta bất kỳ khi nào họ muốn”.

“Sao chép mẫu của Mỹ”

Giới quan sát cho rằng Chiến tranh vùng Vịnh đã giúp khởi đầu chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc qua đó giúp PLA thu hẹp khoảng cách với quân đội Mỹ đến mức PLA hiện bị xem là “mối đe dọa chiến lược” của Mỹ, theo SCMP. Trong đó, chuyên gia về Trung Đông Đường Chí Siêu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định Chiến tranh vùng Vịnh đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc kích thích quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Ông chỉ ra sau “dư chấn” của cuộc chiến, Chủ tịch Trung Quốc khi đó Giang Trạch Dân bắt đầu thúc đẩy ý tưởng PLA nên tập trung vào việc xây dựng “khả năng tác chiến cục bộ hiện đại theo điều kiện công nghệ cao” và “nhanh chóng đạt được đại hóa quân đội”.
Còn theo nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình, cũng từng làm việc trong Quân đoàn pháo binh số 2, Trung Quốc đã học tập những vũ khí công nghệ cao của Mỹ quan sát được trong Chiến tranh vùng Vịnh, như tên lửa có khả năng tấn công chính xác, hệ thống phòng thủ tên lửa và chiến đấu cơ tàng hình, làm kim chỉ nam cho việc phát triển quân sự của nước này. Những chiến thuật như hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng hỗn hợp và những công nghệ liên quan cũng được Trung Quốc chú ý.
Thiếu tướng PLA về hưu Kim Nhất Nam cũng đã tiết lộ về tác động mà cuộc chiến đã để lại trong ký ức của ông. “Có thời điểm, chúng tôi phiên dịch nhiều quy định và báo cáo quân sự của quân đội Mỹ, bắt đầu xây dựng quân đội bằng cách sao chép các mẫu và tiêu chuẩn của họ”, ông Kim cho hay.
Đến năm 1999, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh, với mức tăng 2 con số trong hơn một thập niên, khi nền kinh tế nước này phát triển mạnh. Đến năm 2019, ngân sách quốc phòng thường niên của Trung Quốc tăng lên 176 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ (732 tỉ USD). Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc dành cho năm 2020 là 178,6 tỉ USD.
Hồi năm ngoái, quân đội Trung Quốc mới hoàn thành việc cơ giới hóa Lực lượng trên bộ, nhưng trước đó PLA đã vượt qua Mỹ về một số lĩnh vực, như khả năng đóng tàu, tên lửa phóng trên bộ và hệ thống phòng không tích hợp, theo SCMP dẫn “Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020” của Lầu Năm Góc.

Tên lửa bội siêu thanh DF-17 của Trung Quốc

AFP

Hải quân Trung Quốc hiện có khoảng 350 tàu, trong khi hải quân Mỹ có 293 tàu. Còn không quân Trung Quốc giờ đây lớn thứ 3 trên thế giới, với khoảng 2.000 chiến đấu cơ, với phần lớn là máy bay chiến đấu thế hệ 3 và 4, có thể sánh với một số không quân của phương Tây, theo SCMP. Trong năm 1991, chiến đấu cơ tốt nhất trong không quân Trung Quốc là J-7, được phát triển từ chiến đấu cơ MiG-21(Liên Xô) và chiến đấu cơ nội địa J-8, cả hai thuộc thế hệ 2. Trong khi đó, chiến đấu cơ Mỹ tham gia Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 chủ yếu thuộc thế hệ thứ 4, gồm F-15, F-16 và F/A-18.
Ngoài ra, Lực lượng tên lửa PLA hiện có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo phóng từ trên bộ và tên lửa hành trình, với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Lực lượng này cũng đã nâng cấp và mở rộng kho tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong 30 năm qua. “Thiết bị Trung Quốc có thể không tốt bằng hàng Mỹ ở một số mặt nào đó, nhưng ít nhất cũng cùng thế hệ phát triển. Hiện không còn khoảng cách thế hệ như vào thập niên 1990”, chuyên gia Nghê Nhạc Hùng ở Thượng Hải bình luận, theo SCMP
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.