Lễ giỗ đầu nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu hồi tháng trước không ai ngờ lại trở thành duyên cớ cho sự rạn nứt quan hệ giữa các con ông.
Gia đình nhà họ Lý tại tang lễ của ông Lý Quang Diệu - Ảnh: The Strait Times
|
Sự rạn nứt trong gia đình danh giá bậc nhất đảo quốc sư tử bất ngờ đến tai công chúng hôm 25.3, giữa lúc xứ này đang long trọng tưởng niệm một năm ngày mất của ông (23.3.2015) kéo dài trong một tuần.
Người công khai phát pháo là con gái ông, bác sĩ Lý Vỹ Linh. Trên trang Facebook cá nhân, bà Linh, 61 tuổi, đăng một bài viết dài bộc lộ thái độ không đồng tình trước việc Singapore tưởng niệm ngày mất của cha bà một cách quá dài dòng và tốn kém.
Ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của Singapore, nắm quyền 31 năm và được xem là người có công đưa xứ này từ một hòn đảo ở thế giới thứ 3 lên tầm các quốc gia phát triển của thế giới thứ 1. Người con cả của ông, Lý Hiển Long, 64 tuổi, hiện là Thủ tướng Singapore, nắm quyền từ năm 2004.
“Lý Quang Diệu hẳn đã cúi đầu hổ thẹn trước sự sùng bái anh hùng chỉ một năm sau khi ông qua đời”, bà Linh mở đầu bài viết. Bà cũng nêu 2 ví dụ về lễ giỗ lãnh tụ mà cha bà từng phê phán. Đó là trường hợp của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. “Mọi sự sùng bái đều gây hiệu ứng ngược và có thể khiến các thế hệ tương lai của Singapore nghĩ rằng những hành động của cha tôi là nhằm mưu cầu danh tiếng cá nhân, hoặc nhằm xây dựng một triều đại riêng”, bà kết luận.
Trong các bình luận cho bài viết nhận được hơn 7.600 lượt chia sẻ (share), bà Linh cũng cho biết bài này bà viết cho mục Ý kiến của báo The Straits Times - tờ báo lớn và uy tín nhất đảo quốc, nhưng đã bị các biên tập viên của báo cắt hết những phần bị xem là “nhạy cảm” và kết cục là bỏ luôn không đăng. Cáo buộc tờ báo tước mất của bà quyền tự do ngôn luận, bà Linh đăng nguyên bản thảo bài viết lên Facebook.
|
Bất hòa
Không chấp nhận những cáo buộc của bà Linh, trong các ngày 4 - 5.4, các biên tập viên The Straits Times đã phản pháo. “Bác sĩ Lý đã viết cho tờ báo này suốt 10 năm nay. Và sự thật đó bẻ gãy niềm tin mà bà cố vẽ ra rằng bà là người bị kìm hãm và bịt miệng”, cựu biên tập viên Janadas Devan, từng biên tập nhiều bài viết của bà Linh, phát biểu. Đáp lại, bà Linh cho hay tờ báo này chỉ bắt đầu “kiểm duyệt” các bài viết của bà kể từ khi thân phụ bà qua đời.
“Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại” suốt hơn một tuần có lẽ khiến người phụ nữ đầy cá tính mất bình tĩnh, nên bất giác sáng 10.4 bà công khai trên Facebook một loạt email trao đổi giữa bà và các biên tập viên The Straits Times về bài viết không được đăng, để rồi phải rút chúng xuống trong buổi chiều cùng ngày.
Theo Channel NewsAsia, trong một email, bà Linh viết: “Tôi và HL (tức anh trai Hiển Long - NV) đã bất đồng với nhau về vấn đề nguyên tắc (trong việc tưởng niệm ngày mất của cha - NV)”, và “Hiển Long đã lạm quyền không một chút áy náy để tổ chức lễ tưởng niệm linh đình”. Chưa hết, bà còn viết thêm: “Chúng ta nên thực lòng. Sự kiện tang lễ năm ngoái vô cùng sống động mà không ai có thể quên được trong vòng một năm. Nhưng nếu kẻ nắm quyền (ám chỉ anh trai bà đang giữ chức thủ tướng - NV) muốn thiết lập một triều đại của mình, thì con gái của Lý Quang Diệu sẽ không để tên tuổi của ông bị vấy bẩn bởi một người con trai mất danh dự”.
Huynh đệ “tương tàn”
Những lời lẽ lẽ ra không nên đến tai công chúng của bà Linh đã khiến vị anh trai thủ tướng “nổi đóa”, và đẩy sự việc đến tình huống “vô tiền khoáng hậu”. Dùng Facebook cá nhân vốn có trên 1 triệu người “like”, chiều cùng ngày, Thủ tướng Lý Hiển Long đã “quật” lại em gái. “Tôi đau buồn sâu sắc với cáo buộc của em gái mình rằng tôi đã lạm quyền để tổ chức lễ giỗ đầu của ông Lý Quang Diệu nhằm thiết lập một triều đại của mình. Các cáo buộc ấy hoàn toàn sai sự thật”, Thủ tướng Lý Hiển Long viết.
Ông cũng giải thích rằng nội các của ông đã thảo luận rất nhiều về cách thức tổ chức ngày giỗ đầu của bậc tiền bối. “Ý kiến của tôi là nên để việc này cho các đơn vị cơ sở tổ chức theo khả năng của mình và chủ ý hướng vào tương lai”, ông viết. Tuy nhiên, ông và các đồng nghiệp trong nội các đã đồng ý cho phép tổ chức trên 100 sự kiện, hoạt động tưởng niệm kéo dài đến 1 tuần là vì “nhận thấy nhiều người Singapore thật tâm mong muốn thể hiện sự kính trọng đối với ông Lý và tôn vinh những gì ông đã làm”, và “các hoạt động kỷ niệm của các nhóm về cơ bản là hợp lý”.
Kết lại “bức tâm thư” đau buồn, ông Lý viết: “Ý nghĩ rằng tôi muốn thiết lập một triều đại riêng thật là vô lý. Trọng hiền tài là một giá trị nền tảng của xã hội chúng ta. Cá nhân tôi, đảng hành động Nhân dân cầm quyền hay công chúng Singapore, không một ai có thể chấp nhận ý đồ tự tung tự tác như vậy”.
Bình luận (0)