Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu về cấu trúc trong nền kinh tế Philippines, gồm hệ thống chăm sóc sức khỏe phi tập trung và tình trạng bất bình đẳng tràn lan. Philippines đã phải hứng chịu một đợt sụt giảm kinh tế kỷ lục vào năm 2020 và sự phục hồi chậm chạp của nước này lại được nhấn mạnh một lần nữa vào ngày 18.5 vừa qua, khi chính phủ giảm triển vọng tăng trưởng cho năm nay và năm tới, theo Bloomberg.
Nghiêm ngặt nhưng sai lầm
Mặc dù Philippines đã thực hiện một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, bao gồm ngừng hoạt động các phương tiện giao thông công cộng và cấm trẻ em và người già ở các nơi công cộng, dịch bệnh tại nước này cũng chỉ tạm lắng trong vài tháng trước khi bùng phát trở lại vào tháng 3 và các lệnh cấm được tái ban hành.
Việc xử lý đại dịch của Philippines còn bị cản trở bởi đạo luật năm 1991 quy định các lãnh đạo thành phố, thị trấn và làng mạc là người chịu trách nhiệm về hệ thống y tế chứ không phải nhà nước. Vì không có bộ quy tắc hướng dẫn thống nhất, các đội ngũ y tế cấp địa phương thường tuân theo các quy tắc do người đứng đầu cộng đồng đặt ra, dẫn đến việc phản ứng với dịch Covid-19 của nước này bị rời rạc.
|
Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi lao động Philippines ở nước ngoài đồng loạt quay về. Họ chỉ trải qua đợt cách ly lỏng lẻo và xét nghiệm Covid-19 không đáng tin cậy, ngay cả khi nhiều biến thể dễ lây lan hơn của virus đã xuất hiện.
Ngoài ra, lệnh phong tỏa cũng làm tồi tệ thêm tình trạng bất bình đẳng rõ rệt của nước này. Trong lúc Covid-19 hoành hành, những người Philippines khá giả làm việc tại nhà và chỉ việc đặt mua hàng hóa, thuốc men và rượu. Trong khi đó, những người thất nghiệp phải bám vào các công việc như đi giao hàng hoặc bán hàng trực tuyến. Nhiều người thậm chí còn chưa có việc làm. Theo một khảo sát của Bloomberg, quốc gia này sẽ phải hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong năm nay trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Nền kinh tế suy giảm
Bloomberg dẫn lời ông Nicholas Mapa, nhà kinh tế học tại Tập đoàn ING ở Manila, cho biết: “Nền kinh tế từng phát triển mạnh mẽ này không còn nhiều động lực”. Ông cho rằng tâm lý người tiêu dùng đã “xuống dưới mức âm” trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Còn theo nhà kinh tế học Katrina Ell tại công ty Moody’s Analytics ở Sydney (Úc) thì nền kinh tế Philippines sẽ không thể trở lại mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2022. Ngược lại, các nền kinh tế như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã quay trở lại mức sản lượng trước đại dịch, trong khi Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan sẽ làm được điều đó trong năm nay. Bà Ell nhận định diễn biến này khiến Philippines bị tụt lại rõ ràng ở châu Á.
Trong Quý 1/2021, kinh tế Philippine tiếp tục suy giảm và dự kiến sẽ nằm trong số những nền kinh tế phục hồi chậm nhất ở châu Á, để lại những hậu quả lâu dài. Theo công ty Fitch Solutions, thậm chí đến năm 2025, năng suất kinh tế của nước này vẫn sẽ thấp hơn 11,5% so với mức đáng lẽ sẽ đạt được nếu đại dịch không diễn ra.
|
Với việc số ca nhiễm đã giảm so với kỷ lục của tháng 4, chính phủ Philippines đang cân nhắc các biện pháp hạn chế nhắm vào các nhóm đối tượng cụ thể hơn so với biện pháp phong tỏa toàn diện, đóng cửa 75% nền kinh tế của nước này vào năm 2020.
Tuy nhiên, ngay cả khi các quy định phòng dịch tại nước này đã được nới lỏng, người dân Philippines vẫn thuộc nhóm ít di chuyển nhất ở Đông Nam Á, theo dữ liệu của Google. Đó là một xu hướng đáng ngại đối với tiêu dùng hộ gia đình, vốn chiếm hơn 70% nền kinh tế nước này.
Chính phủ nước này đang dần triển khai tính năng truy dấu tiếp xúc dựa trên nền tảng kỹ thuật số và hy vọng vào vắc xin, với tổng số vắc xin nhận được dự kiến đạt 21,8 triệu liều trong Quý 2/2021. Philippines hiện ghi nhận hơn 1,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 19.000 người tử vong. “Điều quan trọng là chính phủ cần cải thiện việc kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên Philippines vẫn đang ở kẹt giữa cuộc khủng hoảng”, bà Ell nhận định.
Bình luận (0)