Một năm trước, thế giới vẫn lạc quan về đại dịch Covid-19. Các chuyên gia đã có ý tưởng về cách tốt nhất để chống lại virus SARS-CoV-2.
“Nếu chúng ta có một loại vắc xin đạt hiệu quả 70%, kết hợp với các biện pháp phòng dịch, tôi nghĩ chúng ta có thể kiểm soát đại dịch này trong vòng một năm", DER SPIEGEL dẫn lời nhà miễn dịch học người Mỹ Anthony Fauci vào tháng 8.2020.
Hiện tại, thế giới đã có các loại vắc xin hiệu quả cao và chúng được đưa ra thị trường nhanh hơn nhiều so với mong đợi. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 đã khiến những kỳ vọng lạc quan tan biến. Loại virus này đột biến nhiều hơn so với dự đoán, trở nên dễ lây lan hơn và bắt đầu thách thức các loại vắc xin hiện có.
Các loại vắc xin hiện có vẫn hiệu quả cao trước việc giúp người mắc Covid-19 tránh nhập viện. Tuy nhiên, với biến thể Delta đang lan khắp thế giới và có tốc độ lây nhiễm cao hơn so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, khả năng giúp tránh nhiễm virus của vắc xin đã giảm xuống.
Làn sóng lây nhiễm mùa đông
Đây chỉ là một lý do khiến hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng của Đức vào mùa thu này tiêu tan. Số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt ở Đức đang tăng lên một lần nữa. “Nếu không tìm ra cách đẩy mạnh tiêm chủng, làn sóng lây nhiễm thứ tư (làn sóng đang xảy ra) có thể để lại hậu quả tàn khốc”, Giám đốc Lothar Wieler của cơ quan kiểm soát dịch bệnh ở Đức, Viện Robert Koch (RKI), cho biết.
Mùa đông đại dịch thứ hai có thể sẽ là khoảng thời gian khó khăn và chưa ai dám chắc chuyện gì xảy ra tiếp theo vì điều này không chỉ phụ thuộc vào việc chủng ngừa mà còn vào cách virus đột biến.
Nhà dịch tễ học Emma Hodcroft của Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho biết rất khó để đưa ra dự đoán chính xác. Bà Hodcroft đang thu thập trình tự bộ gien của virus SARS-CoV-2 trên khắp thế giới để thực hiện dự án Nextstrain. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta hiểu về SARS-CoV-2 đủ để dự đoán chắc chắn cách virus sẽ tiến hóa”, DER SPIEGEL dẫn lời bà Hodcroft cho biết.
Nhà khoa học Mary Bushman của Đại học Harvard cũng có cùng quan điểm. “Loại virus này khiến chúng ta ngạc nhiên. Không ai nghĩ rằng khả năng lây lan của virus sẽ tăng cao đến vậy”, bà Bushman nói về biến thể Delta.
Điều này có thể là do biến thể Delta có khả năng nhân lên rất nhanh sau khi lây nhiễm cho vật chủ mới.
Tuy nhiên, trình tự bộ gien của một biến thể mới xuất hiện cho chúng ta rất ít thông tin về đặc tính của các đột biến. Biến thể C.1.2 lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi vào tháng 5 thoạt nhìn trông rất nguy hiểm vì có đến 44-59 đột biến so với virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Song, hiện tại có vẻ như biến thể C.1.2 sẽ không thể thay thế Delta. “Delta có ít đột biến hơn so với C.1.2, nhưng nó vẫn lấn át được C.1.2”, nhà tin sinh học Tulio de Oliveira của Đại học KwaZulu-Natal ở Durban (Nam Phi), cho biết.
Sẽ có nhiều biến thể nguy hiểm hơn
Điều đó không có nghĩa là Delta sẽ chiếm ưu thế mãi. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều biến thể nguy hiểm hơn Delta vì vẫn còn nhiều người chưa được tiêm chủng trên khắp thế giới", chuyên gia y tế đồng thời là nghị sĩ Đức Karl Lauterbach dự đoán.
Chuyên gia Bushman của Đại học Harvard đã dùng mô hình để mô phỏng sự xuất hiện của các biến thể virus mới. Kết quả cho thấy các biến thể dễ lây lan hơn có khả năng sẽ thay Delta trở thành biến thể chiếm ưu thế. Cũng theo mô hình của bà Bushman, các biến thể có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin khó chiếm ưu thể, miễn là chúng không lây lan nhanh hơn Delta.
Tuy nhiên, sẽ là ác mộng nếu một biến thể mang hai đặc điểm cùng lúc (lây nhanh hơn Delta và kháng vắc xin) xuất hiện. Bà Bushman cho biết biến thể này sẽ gây "hậu quả nghiêm trọng". Chỉ có các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng mới có thể giảm thiểu sự lây lan của biến thể như vậy.
Các chuyên gia cũng lo ngại về hậu quả tiêu cực nếu các quy định phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang bị dỡ bỏ quá sớm. Các biến thể dễ lây lan hơn trong mô phỏng máy tính của bà Bushman lúc này sẽ có cơ hội hoành hành.
“Chỉ tiêm vắc xin thôi chưa đủ để kiểm soát số ca nhiễm, đặc biệt nếu chiến dịch tiêm chủng được triển khai quá chậm”, bà Bushman nói. Các quan chức của Viện Robert Koch ở Đức cũng tin rằng các biện pháp phòng dịch đang áp dụng sẽ phải tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Việc SARS-CoV-2 có thể đột biến và phát triển đến mức độ nào vẫn là một câu hỏi đối với các nhà khoa học. “Có giới hạn về mức độ lây nhiễm tối đa mà virus có thể đạt được và có lẽ SARS-CoV vẫn chưa tới giới hạn đó. Khả năng lây nhiễm của virus có thể sẽ tiếp tục tăng lên", bà Hodcroft cho biết.
Và việc dự đoán khả năng vượt qua miễn dịch của virus trong tương lai còn khó hơn. “Với nhiều loại virus, đây là một cuộc chiến không hồi kết. Chúng ta đạt được một mức độ miễn dịch nhất định và virus phải cố gắng chống lại khả năng miễn dịch đó”, bà Hodcroft nói.
Song, việc virus có khả năng thoát miễn dịch đó lây lan không có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu lại từ đầu với một loại virus nguy hiểm hơn, bà Hodcroft lưu ý.
Tuy vậy, điều này vẫn có khả năng xảy ra về mặt lý thuyết. “Công chúng quan niệm rằng virus sẽ dần tiến hóa để trở nên ít nguy hiểm hơn và tránh gây hại cho các vật chủ mà chúng dựa vào để lây lan. Đây là quan niệm sai”, giáo sư dịch tễ William Hanage tại Đại học Harvard cho biết. Mức độ nguy hiểm của virus có thể thay đổi.
“Các biến thể cũng có thể vô hiệu hóa những loại vắc xin chúng ta có”, nhà dịch tễ học và chính trị gia Lauterbach nói. Tuy nhiên, những điều này chỉ là suy đoán. Ông Lauterbach bi quan hơn về việc chúng ta vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19. Ông cũng dự đoán những ca bệnh nghiêm trọng sẽ tăng vì không vắc xin nào đạt mức độ hiệu quả 100%. "Chúng ta sẽ phải tiếp tục chống chọi với SARS-CoV-2 trong nhiều năm tới", ông Lauterbach nhận định.
Bình luận (0)