Sri Lanka trong vòng xoáy cạnh tranh Trung - Ấn

23/11/2018 06:59 GMT+7

Tình trạng xáo trộn chính trị ở Sri Lanka hiện nay bị cho là xuất phát từ cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của hai đối tác láng giềng là Ấn Độ và Trung Quốc tại nước này.

Chính phủ Sri Lanka gần như tê liệt kể từ ngày 26.10, khi Tổng thống Maithripala Sirisena cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe để thay bằng cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Trong gần một tháng qua, Sri Lanka có hai chính trị gia tự nhận là thủ tướng, nhưng Chủ tịch quốc hội Karu Jayasuriya hôm 15.11 tuyên bố không công nhận người nào. Quốc gia Nam Á hiện trong cảnh không có chính phủ.
Tranh luận gay gắt
Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao Sri Lanka khẳng định sự bất đồng nghiêm trọng giữa ông Sirisena và ông Wickremesinghe về mức độ duy trì lợi ích của Ấn Độ ở nước này là nguyên nhân chính dẫn tới sự phân rẽ chính trị trên. Ông Wickremesinghe mới đây tiết lộ cuộc họp nội các ngày 16.10 do ông Sirisena chủ trì liên quan đến đề nghị cấp quyền phát triển dự án cảng ở thủ đô Colombo cho một liên doanh Ấn Độ - Nhật Bản. “Có nhiều cuộc tranh luận trong nội các, đôi khi rất gay gắt”, ông Wickremesinghe nhấn mạnh. Ông không đề cập tên tổng thống nhưng khẳng định có một tài liệu được đưa ra để yêu cầu không trao dự án đó cho Ấn Độ và Nhật. Quan điểm của ông Wickremesinghe là cần tôn trọng biên bản ghi nhớ về dự án đã được ký giữa Sri Lanka với Ấn Độ và Nhật hồi tháng 4.2017. Trong khi đó, ông Sirisena lập luận Sri Lanka không trao thêm bất kỳ tài sản cho người nước ngoài khi nước này đang nợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hơn 8 tỉ USD. Ông Wickremesinghe từ chối trả lời khi được hỏi liệu việc ông bị cách chức có liên quan sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc hay không.
Dưới góc nhìn của giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Sri Lanka bắt nguồn từ những tranh đấu về lựa chọn giữa hai đối tác bên ngoài là Ấn Độ và Trung Quốc. “Cuộc khủng hoảng Sri Lanka không liên quan nhiều đến Sirisena và Rajapaksa. Tình trạng nên được nhìn dưới góc độ của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ấn - Trung trong khu vực”, chuyên gia Siegfried O.Wolf từ Diễn đàn Dân chủ Nam Á ở Bỉ, nhận định với kênh DW. Ông Rajapaksa từng ủng hộ những dự án do Trung Quốc đầu tư khi còn làm tổng thống giai đoạn 2005 - 2015, trong khi ông Wickremesinghe được cho là thân với Ấn Độ hơn. “Cuộc đảo chính Sri Lanka xảy ra sau khi lợi ích kinh tế của Bắc Kinh bị chính phủ của ông Wickremesinghe thách thức nghiêm trọng. Ông ấy cố gắng cải thiện quan hệ không chỉ với New Delhi mà còn với phương Tây”, ông Wolf đánh giá. Một tuần trước khi bị cách chức, ông Wickremesinghe thăm Ấn Độ 3 ngày trong nỗ lực cải thiện quan hệ với nước láng giềng. Trước đó, ông cũng đã cho dừng công trình xây dựng cảng nước sâu do Trung Quốc đầu tư ở thị trấn Hambantota ở miền nam.
Cạnh tranh quyết liệt
Ấn Độ và Trung Quốc có những lợi ích chiến lược ở Ấn Độ Dương và Sri Lanka đóng vai trò không thể thiếu để đạt được điều đó. Colombo được cho sẽ trở thành một phần dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc nhằm vận chuyển hàng hóa đến các nước phương Tây. Nhiều công ty Trung Quốc đang xây dựng khu thương mại với vốn đầu tư 1,5 tỉ USD tại Colombo, bên cạnh đó là khu container khổng lồ và một cảng lớn ở Hambantota. Không chỉ vậy, cộng đồng người Trung Quốc ở Sri Lanka ngày càng lớn dần, từ vài trăm người cách đây vài năm giờ đã lên 12.000 người, theo Reuters.
Sri Lanka nằm gần phía nam bờ biển Ấn Độ và trên tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Ấn Độ được cho là lo sợ Sri Lanka trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc, khi Bắc Kinh không ngừng gia tăng ảnh hưởng. Thời gian gần đây, Ấn Độ tăng cường hiện diện vào dự án xây cảng ở Sri Lanka. Theo Reuters, Ấn Độ đang tích cực tham gia vào những dự án gần nơi Trung Quốc đầu tư ở Sri Lanka để tạo thế cân bằng với Bắc Kinh. Ấn Độ cũng đang đấu thầu giành quyền kiểm soát một sân bay được xây dựng gần cảng biển do Trung Quốc đầu tư ở Hambantota, dù sân bay này có rất ít chuyến bay. “Chúng tôi đang tham gia cuộc chơi một cách đầy đủ”, một nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói với Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.