Su-30 Ấn Độ tích hợp thành công tên lửa siêu thanh BrahMos

19/12/2019 20:00 GMT+7

Không quân Ấn Độ khẳng định đợt thử mới nhất BrahMos-A, tên lửa hành trình siêu thanh phiên bản phóng từ trên không do Ấn Độ cùng Nga chế tạo, cho thấy việc tích hợp hệ thống tên lửa này với chiến đấu cơ Su-30MKI đã hoàn thành.

Hôm 17.12, chiến đấu cơ Su-30MKI đã phóng tên lửa BrahMos-A trên vùng trời thuộc bang Odisha của Ấn Độ và tên lửa đã trúng mục tiêu giả định trên biển, theo Đài RT.
Đây là lần thứ 3 tên lửa BrahMos-A được phóng thử, sau lần đầu tiên vào năm 2017 và lần thứ 2 hồi tháng 5.2019. Lần thử mới nhất cần thiết cho việc xác định BrahMos-A tích hợp được với Su-30MKI. Dự kiến trước cuối năm nay, quân đội Ấn Độ sẽ thông báo BrahMos-A hoạt động một cách đầy đủ.
 
Máy bay Su-30 MK1 Ấn Độ bắn thử tên lửa BrahMos-A năm 2017
Cho đến nay, hai chiếc Su-30MKI đã được chuyển đổi cho việc triển khai BrahMos-A, phiên bản nặng 2,5 tấn. Không quân Ấn Độ có kế hoạch chuyển đổi 40 chiến đấu cơ đa nhiệm để có thể phóng BrahMos-A và trang bị 200 quả tên lửa cho phi đội này. Một phiên bản nhỏ hơn, với trọng lượng 1,5 tấn đang được phát triển cho chiến đấu cơ MiG-29K hoặc HAL Tejas, theo RT.

[VIDEO] Tên lửa Brahmos tấn công mục tiêu như thế nào?

Tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos được Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển và sản xuất. Tên lửa siêu thanh BrahMos có thể bay với tốc độ Mach 3 (tương đương 3.675 km/giờ), theo TASS. Mẫu nâng cấp bội siêu thanh của tên lửa này đang được thử nghiệm và có thể đạt tốc độ Mach 6.
Tên lửa BrahMos hoạt động theo nguyên tắc “phóng và quên”, có nghĩa là sau khi được phóng đi, tên lửa sẽ tự tìm đường đến mục tiêu đã được định sẵn trước đó, đồng thời có thể áp dụng nhiều kiểu bay khác nhau để đến mục tiêu. BrahMos còn có thể bắn từ các dàn phóng trên bộ, trên tàu chiến và phóng từ tàu ngầm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.