Sự trỗi dậy của người Do Thái

05/06/2013 03:30 GMT+7

Sáng tạo, cầu tiến, liều lĩnh cùng một nền văn hóa khuyến khích “phá vỡ trật tự” là những đặc tính làm nên câu chuyện khởi nghiệp thần kỳ của Israel .

Một đất nước 65 năm tuổi đời, diện tích hơn 20.000 km2 và dân số ước tính khoảng 8 triệu người vào năm 2012, lọt thỏm trong vòng vây của các quốc gia thù địch, lại là một trung tâm công nghệ và đầu tư hàng đầu thế giới, chiến thắng hầu như mọi cuộc chiến và thậm chí còn đi “bắt nạt” người khác. Một dân tộc mấy ngàn năm không có tổ quốc, bị tàn sát, bị xua đuổi lại là tâm điểm của nhiều huyền thoại về trí thông minh và thành công. Với cuốn Start-up Nation: The Story of Israel's Economic Miracle (Quốc gia khởi nghiệp: Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel, Trí Vương dịch, Công ty sách Alpha và NXB Thế giới, 2013), 2 tác giả Dan Senor và Saul Singer đã phần nào soi sáng câu chuyện thành công của Israel, đặc biệt về kinh tế và quân sự. Dĩ nhiên, lịch sử và hoàn cảnh đặc thù của Israel góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nước này, nhưng trong đó vẫn có những giá trị đáng tham khảo và học hỏi.

 Sinh viên công nghệ Israel tự tin trước Tổng thống Mỹ Barack Obama
Sinh viên công nghệ Israel tự tin trước Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: GPO

“Tại sao tôi không phải sếp của ông ?”

“Từ thuở sơ khai, chúng tôi đã được dạy phải luôn nghi ngờ cái có sẵn, phải luôn đặt câu hỏi tranh luận về mọi vấn đề và sáng tạo... Người Israel luôn thử thách bạn mọi lúc bằng những câu hỏi như “Tại sao ông là sếp của tôi; Tạo sao tôi không phải sếp của ông?”, Quốc gia khởi nghiệp dẫn lời Shmuel Mooly Eden, người đứng đầu bộ phận của Tập đoàn Intel tại Israel (Intel Israel) đúc kết về đặc tính đầu tiên và được xem là có tính quyết định trong sự vươn lên của nước này.

 

Mục tiêu của người lãnh đạo là nên tối đa hóa sự chịu đựng - trong khi khuyến khích bất đồng chính kiến. Khi một tổ chức đang trong thời kỳ khủng hoảng, thiếu sự chịu đựng là vấn đề lớn

Dov Frohman,
người sáng lập Intel Israel

Thật vậy, bàng bạc trong sách là những câu chuyện về sự táo bạo thách thức những trật tự sẵn có, bỏ lại những tư duy thông thường và không đầu hàng nghịch cảnh để khởi nghiệp và vươn lên. Dân Israel gọi đây là chutzpah, có nghĩa là “táo bạo, gai góc, trắng trợn, thần kinh, vô liêm sỉ”. Theo Quốc gia khởi nghiệp, tinh thần chutzpah thể hiện qua cách “sinh viên đại học nói chuyện với giảng viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan chỉ huy và thư ký sửa lưng các bộ trưởng. Tuy nhiên, đối với người Israel, đây không phải sự gan dạ, mà là điều hết sức bình thường”.

Từ tinh thần chutzpah cũng như xuất phát từ khó khăn khách quan như nước nhỏ, ít người, Israel tập trung đào tạo một thế hệ người lao động đa nhiệm, giỏi ứng biến, dám làm dám chịu và thấm nhuần tư duy rosh gadol, tức “vẫn làm theo lệnh, nhưng theo cách tốt nhất có thể, vận dụng óc phán xét và đầu tư mọi nỗ lực cần thiết. Nó đề cao sự ứng biến hơn là kỷ luật, cũng như thách thức lãnh đạo hơn là tôn trọng cấp bậc” (Quốc gia khởi nghiệp, trang 176). Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong quân đội Israel, nơi không có nhiều sĩ quan chỉ huy và mỗi người lính đều phải biết cách tự quyết định trên chiến trường. Theo sách, đây là một trong những lý do Israel chiến thắng liên quân Ả Rập trong Cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và không phải ngẫu nhiên mà quân đội là nơi ươm mầm hàng ngàn doanh nhân khởi nghiệp của Israel.   

Sự “chịu đựng” của lãnh đạo

Nổi loạn, sáng tạo và tranh luận chỉ có thể tồn tại trong một nền chính trị - văn hóa “bình đẳng, chống phân cấp, luôn cảnh giác thái độ khúm núm và tính bầy đàn”. Quốc gia khởi nghiệp dẫn lời người sáng lập Intel Israel là Dov Frohman nhận định: “Mục tiêu của người lãnh đạo là nên tối đa hóa sự chịu đựng - trong khi khuyến khích bất đồng chính kiến. Khi một tổ chức đang trong thời kỳ khủng hoảng, thiếu sự chịu đựng là vấn đề lớn”.

Bên cạnh đó, người Israel không sợ thất bại. Họ luôn gắng cứu các doanh nghiệp phá sản và tạo cơ hội để gây dựng lại. Điều đó không có nghĩa là nhắm mắt đâm đầu và không ai chịu trách nhiệm. Sau mỗi thất bại, thậm chí sau mỗi chiến thắng, là những cuộc mổ xẻ, kiểm điểm sâu rộng, “phê và tự phê” và luôn có người chịu kỷ luật. Theo sách, sau cuộc chiến năm 1967, vẫn có nhiều quan chức cấp cao phải từ chức. Các cuộc kiểm thảo diễn ra công khai, minh bạch với sự tham gia, giám sát của cả nước, trái với văn hóa “kiểm điểm nội bộ tuyệt mật” của quân đội Mỹ, theo Quốc gia khởi nghiệp. 

Về vĩ mô, các nhà quản lý và lãnh đạo Israel cố gắng cơ cấu tổ chức của họ, từ nhà nước, quân đội đến doanh nghiệp, theo “mô hình thử nghiệm” với “mọi thông tin mới đều được đánh giá và tranh luận trong môi trường văn hóa tương tự phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển”. Điều này trái ngược với mô hình mà “thủ tục và hệ thống kiểm soát mọi thứ, bao gồm cả việc tuân thủ nghiêm ngặt thời gian và ngân sách”. (còn tiếp)

Sự kiện giới thiệu sách Quốc gia khởi nghiệp

Sáng nay 5.6, Đại sứ quán Israel tại Hà Nội phối hợp Công ty sách Alpha (Alpha Books) tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp và Tọa đàm “Câu chuyện thần kỳ về nền kinh tế Israel” ở Hà Nội.


Sách Quốc gia khởi nghiệp tại Việt Nam - Ảnh: Đại sứ quánIsrael cung cấp

Cuốn sách được viết bởi 2 chuyên gia Dan Senor và Saul Singer và được phát hành năm 2009. Tại Việt Nam, cuốn sách được xuất bản bởi sự hợp tác giữa Alpha Books, Đại sứ quán Israel, Tập đoàn Orca, Tập đoàn Trung Nguyên... và đã được giới thiệu tại các nhà sách trong cả nước từ giữa tháng 5.

Ngô Minh Trí

Trọng Kha

>> 65% người Do Thái chịu từ bỏ hạt nhân nếu Iran làm theo
>> Tiết lộ về người Do Thái duy nhất Hitler muốn cứu
>> Những cái tên "cấm kỵ" của người Do Thái
>> Cộng đồng người Do Thái ở Pháp: Phẫn nộ và lo ngại
>> Iran triển lãm biếm họa về thảm sát người Do Thái
>> Azerbaijan kết án tù 3 kẻ âm mưu giết người Do Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.