Sự trỗi dậy của tàu ngầm mini

29/01/2019 09:25 GMT+7

Nhiều nước đẩy mạnh phát triển các loại tàu ngầm mini có người điều khiển lẫn không người lái nhờ công nghệ hiện đại giúp chúng hoạt động tốt hơn.

Các loại tàu ngầm nhỏ gọn chứa 1 - 2 người từng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh trước đây, đặc biệt là cho những nhiệm vụ mang tính cảm tử, hy sinh để lao vào mục tiêu. Thời Thế chiến 2, Nhật từng gây thiệt hại lớn cho lực lượng Mỹ và đồng minh với tàu ngầm mini lớp Ko-hyoteki và ngư lôi có người lái Kaiten. Tuy nhiên, theo thời gian, sự phát triển vượt bậc của công nghệ dò tìm, radar và sonar khiến tàu ngầm mini dễ bị phát hiện hơn. Việc khái niệm tấn công cảm tử bị loại khỏi chiến lược của các lực lượng chính quy cũng là lý do khiến tàu ngầm mini quân sự gần như biến mất.
Tuy nhiên, theo báo Asia Times, vị thế của thứ vũ khí này được nâng tầm trở lại với những dự án đáng chú ý của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Công nghệ tàng hình mới hiện nay giúp tàu ngầm mini khắc phục điểm yếu dễ bị phát hiện trong khi khả năng hoạt động êm và kích thước nhỏ gọn lại phù hợp với những vùng biển nông và nhiều đá ngầm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như phục vụ mục tiêu đổ bộ lên đảo.
Theo Fox News, Tập đoàn Lockheed Martin đã trúng thầu dự án 166 triệu USD, đóng 3 tàu ngầm nhỏ chở được 6 lính đặc nhiệm SEAL và dự kiến bàn giao cho hải quân Mỹ trong năm 2019. Tuy nhiên, tàu này chỉ phục vụ mục đích vận tải và “kém thông minh” hơn chiếc Proteus của Hãng Huntington Ingalls và Batelle đang được thử nghiệm. Proteus là loại tàu ngầm mini tự vận hành hoặc được người điều khiển. Với chiều dài 7,62 m và rộng 1,5 m, chiếc tàu có thể chở 6 binh sĩ và mang theo vũ khí để phục vụ các chiến dịch đột kích đổ bộ.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin Trung Quốc tiết lộ nước này đang nghiên cứu phát triển tàu ngầm mini không người lái (AUV) giá rẻ vận hành bằng trí tuệ nhân tạo có thể hoạt động khắp các đại dương và dự kiến trình làng vào năm 2021. Hiện một số AUV Trung Quốc được dùng thăm dò tài nguyên dưới đáy biển và thu thập thông tin tình báo. Chẳng hạn, chiếc Càn Long III đã vận hành thử nghiệm tại một khu vực không được tiết lộ ở Biển Đông vào giữa năm 2018, còn tàu Hải Yến do Đại học Thiên Tân chế tạo, hoàn tất hành trình thử nghiệm hơn 3.600 km trong vòng 141 ngày. Theo Tân Hoa xã, tàu này có hình dạng tương tự ngư lôi, dài 1,8 m, đường kính 0,3 m, nặng khoảng 70 kg, có thể phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự.
Tương tự, Nga được cho là đã sẵn sàng triển khai AUV Poseidon có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, đủ sức tiêu diệt tàu sân bay và các cơ sở hạ tầng của đối thủ. Bên cạnh đó, thiết bị này vận hành bằng năng lượng hạt nhân nên hoạt động êm ái, khó bị phát hiện và đạt vận tốc cao cùng khả năng lặn sâu 1.000 m. “Đây sẽ là thách thức đáng gờm cho lực lượng Mỹ và đồng minh tại Thái Bình Dương”, Hãng tin TASS dẫn lời chuyên gia Lyle Goldstein thuộc Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ nhận định. Ông cũng nhận định thêm việc quân đội các nước đẩy mạnh phát triển tàu ngầm mini một phần là vì không bị giới hạn bởi bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí đang hiện hữu nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.